Hộ nghèo giảm, nhưng vẫn loay hoay tìm kế sinh nhai

Thứ Bảy, 31/10/2015, 06:30
Thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án thủy điện Sơn La, Bộ Công thương đã tỏ ra khá lạc quan về tình hình đời sống của người dân tái định cư với những con số thoát nghèo, giảm nghèo đáng chú ý.

Tuy nhiên, những con số không phản ánh được thực chất vấn đề khi sự thoát nghèo chỉ là tạm thời do nhận được hỗ trợ những năm đầu của Chính phủ. Kỳ thực, người dân vẫn đang vất vả tìm kế sinh nhai, khi nghề nghiệp không có, đất canh tác cũng không.

Theo báo cáo này, thủy điện Sơn La hoàn thành vào cuối năm 2012, tính đến hết tháng 8 năm 2015, tổng sản lượng điện sản xuất của nhà máy đạt 34,5 tỷ kWh; tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước cho cả 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu là 4.029 tỷ đồng; tổng giá trị nộp phí dịch vụ môi trường rừng là 689 tỷ đồng. Về trồng bù rừng trên mặt bằng công trình, đã phê duyệt thiết kế - dự toán phương án trồng bù nhưng đến nay mới trồng được 35/298,6 ha, chưa đến 15% tổng lượng công việc. Riêng trồng bù rừng bị ngập trong lòng hồ chứa, EVN đã chuyển tiền đợt 1 để Lai Châu tiến hành triển khai trồng rừng bắt đầu từ năm 2016. Sơn La và Điện Biên mới đang xem xét để phê duyệt phương án trồng bù rừng.

Ổn định đời sống cho người dân tái định cư hậu thuỷ điện vẫn là vấn đề làm đau đầu các địa phương.

Dự án cũng đã hoàn thành lập Báo cáo quyết toán với giá trị 34.064,68 tỷ đồng - tương đương 99% giá trị dự kiến, trừ các công việc bổ sung chưa đủ điều kiện quyết toán gồm: Đường tránh vai trái đập, trồng bù rừng, xây dựng hành lang bảo vệ hồ chứa. Được biết, chủ đầu tư cũng đã ký hợp đồng tư vấn kiểm toán Báo cáo quyết toán công trình và bắt đầu triển khai thực hiện từ ngày 20-5, dự kiến sẽ hoàn thành kiểm toán vào cuối năm này.

Về di dân tái định cư, tổng số dự án phải thực hiện là 2.289 dự án, nhưng đến nay mới đưa vào nghiệm thu được 2.106 dự án, với tổng số tiền 1.764 tỷ đồng. Điện Biên đưa vào nghiệm thu được 200/292 dự án, trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đưa vào nghiệm thu sử dụng thêm 1 dự án, với tổng số đầu tư hơn 138 tỷ đồng. Tỉnh Lai Châu đưa vào sử dụng được 394/421 dự án (8 tháng đầu năm nay chưa đưa vào sử dụng thêm được dự án nào) với tổng đầu tư 333 tỷ đồng. Như vậy, cả 3 tỉnh đã đưa vào nghiệm thu sử dụng được 2.700/3.002 dự án, với tổng đầu tư hơn 2.235 tỷ đồng.

Dù công trình đã đi vào vận hành ổn định, câu chuyện “hậu” thuỷ điện vẫn còn rất đáng bàn. Báo cáo của Bộ Công thương tỏ ra khá lạc quan, đánh giá tình hình tại các khu, điểm tái định cư trên địa bàn 3 tỉnh là “bước đầu đời sống sinh hoạt và sản suất của nhân dân từng bước được ổn định, 100% các hộ dân tái định cư đến nơi ở mới có nhà khang trang và đẹp hơn nơi ở cũ, môi trường được cải thiện, phong tục tập quán tiếp tục được duy trì, công tác chính quyền, đoàn thể được kiện toàn”. Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tháng 9-2015) cho thấy thu nhập bình quân đầu người các hộ tái định cư thủy điện Sơn La tại 3 tỉnh năm 2014 tăng lên 1,070 triệu đồng, gấp 4,54 lần so với thời điểm trước khi di chuyển. Tỷ lệ hộ nghèo tại các khu, điểm tái định cư giảm rõ rệt so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân nơi ở trước khi chuyển đi (năm 2005): Sơn La giảm từ 42,4% xuống 20,38%; Điện Biên giảm từ 29,47% xuống 13,28 %; Lai Châu giảm từ 56,2% xuống 19,0%.

Về tồn tại, báo cáo cho rằng công tác thi công đường tránh vai trái đập để đáp ứng yêu cầu công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia còn chậm so với yêu cầu. Công tác thi công xây dựng một số dự án thành phần và giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất cho các hộ dân, quyết toán các dự án thành phần, hạng mục, công việc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng của cả 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu vẫn chậm; việc duy tu bảo dưỡng công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng chưa kịp thời và còn nhiều hạn chế. Về mục tiêu, Bộ cũng chỉ đề cập đến việc “hoàn thành các hạng mục công trình”, “phấn đấu quyết toán”, đáng chú ý nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ, hướng dẫn phát triển sản xuất cho các hộ dân tái định cư; hỗ trợ đào tạo nghề, lao động cho các hộ tái định cư phi nông nghiệp… Tuy nhiên, chưa phương án cụ thể nào được đưa ra. Bởi có đến vùng tái định cư mới biết, nhà ở, công trình khang trang hơn thì đã đành, còn đời sống của người dân đa phần khó khăn, và sẽ còn khó khăn hơn nữa khi thời gian hỗ trợ ổn định đời sống của Chính phủ kết thúc. Thiếu đất canh tác, thiếu kế sinh nhai đang là nỗi lo oằn gánh của người dân.

Được biết, đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thuỷ điện Sơn La” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành hồ sơ Đề án và trình Thủ tướng. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định Đề án theo quy định để báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Nam Phương
.
.
.