Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Hiến pháp cần đề cập sâu hơn vấn đề an ninh phi truyền thống

Chủ Nhật, 20/01/2013, 13:15
Trao đổi với PV Báo CAND, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm – Giám đốc Học viện CSND chia sẻ: Trong các quy định của Hiến pháp, đặc biệt là quy định tại Chương bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần đặt vấn đề bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ đơn thuần là khái niệm an ninh, quốc phòng theo nghĩa an ninh, quốc phòng truyền thống mà còn cần bao hàm vấn đề an ninh phi truyền thống, như: tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống, động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán…

Ngay sau khi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992, Học viện Cảnh sát nhân dân đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp sôi nổi, đặc biệt chú trọng tới công tác an ninh, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Trao đổi với PV Báo CAND, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm – Giám đốc Học viện CSND chia sẻ: “Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 liên quan đến mối quan hệ giữa an ninh và quốc phòng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung, công tác củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nói riêng, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục đặt vấn đề bảo vệ an ninh, quốc phòng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt.                           

Thứ hai, trong các quy định của Hiến pháp, đặc biệt là quy định tại Chương bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cần đặt vấn đề bảo vệ Tổ quốc hiện nay không chỉ đơn thuần là khái niệm an ninh, quốc phòng theo nghĩa an ninh, quốc phòng truyền thống mà còn cần bao hàm vấn đề an ninh phi truyền thống, như: tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống, động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán… bởi thực tế cho thấy trong những năm gần đây, các nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống là rất lớn, đe dọa và gây ảnh hưởng, tổn thất vô cùng nặng nề cả về người và của, tác động nghiêm trọng đến một quốc gia, đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện, nhiều góc độ khác nhau không không kém gì vấn đề an ninh, quốc phòng truyền thống.

Vấn đề an ninh phi truyền thống đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng XI.

Thứ ba, bảo vệ Tổ quốc ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì cũng còn có nhiều cách khác để công dân có thể tham gia bảo vệ Tổ quốc như: Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đóng góp vật chất, tài chính, tinh thần cho các lực lượng vũ trang, tham gia xây  dựng nền an ninh nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Về bổ sung, sửa đổi các quy định của Hiến pháp 1992 về bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa và các quyền, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân:

- Điều 44 Hiến pháp 1992 cần bổ sung cụm từ “củng cố quốc phòng”, “trật tự an toàn xã hội ” để toàn diện hơn. Cụ thể là Điều 44 sửa đổi: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là sự nghiệp của toàn dân.

Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân nòng cốt là các lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân phải làm đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh do pháp luật quy định.

- Điều 45 Hiến pháp 1992 cần bổ sung các nội hàm về tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Cụ thể là Điều 45 sửa đổi: Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, biển đảo, biên giới, vùng trời, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước.

- Tại Điều 47 Hiến pháp 1992 có nêu: “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”. Trong tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp và nhiều nguy cơ tiềm ẩn như hiện nay, Nhà nước cần ưu tiên hiện đại hóa ngay lập tức một số lực lượng cốt yếu cho phù hợp với thời cuộc, với sự vận động của xã hội với chủ trương xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Cụ thể là Điều 47 sửa đổi: Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, dựa vào nhân dân và làm nòng cốt cho phong trào nhân dân để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định chính trị và các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh phòng ngừa và chống các loại tội phạm.

- Điều 48 Hiến pháp 1992 cần bổ sung các vấn đề về an ninh, công nghiệp an ninh, v.v... cho toàn diện.

Điều 48 sửa đổi:

Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội, xây dựng công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sĩ, công nhân, nhân viên quốc phòng, an ninh, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước

Thu Phương (ghi)
.
.
.