Liên quan đến vụ gây rối tại Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh:

Hé lộ có nhiều “kẻ đứng sau” kích động, xúi giục người gây rối

Thứ Tư, 13/06/2018, 10:18
Ngày 12-6, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đang khẩn trương làm rõ hành vi của các đối tượng mà Cơ quan điều tra đã tạm giữ. 

Theo lời khai của một số đối tượng, trong hai ngày gây rối họ đã được “tiếp sức” từ nhiều người bằng hình thức cho tiền và hứa hẹn sẽ “có thưởng” nếu như đạt được “thành tích” cao…

Cụ thể, sau khi xảy ra các vụ gây rối từ đêm 10-6, Công an tỉnh Bình Thuận đã tạm giữ hơn 100 đối tượng có hành vi xúi giục, kích động và ném đá, bom xăng vào lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Hầu hết các đối tượng có tuổi đời còn khá trẻ, hoàn toàn không biết gì về “Luật đặc khu” cũng như các vấn đề thời sự khác mà nghe theo sự xúi giục của người khác.  

Như trường hợp của em H (18 tuổi; ngụ TP Phan Thiết) khai nghe lời rủ rê của bạn bè nên thấy ai làm sao thì làm vậy chứ không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Em cảm thấy rất hối hận và mong được về nhà. Còn em N (15 tuổi; ngụ TP Phan Thiết) cho biết có một phụ nữ đến cho 300.000 đồng rồi dặn khi tham gia vào đám đông, thấy ai làm gì thì cứ làm theo. Vì vậy, khi đến trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận em N đã 4 lần dùng đá ném vào trụ sở… 

Cũng theo cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận, trên mạng xã hội lan truyền về một người có tên là Tùng “nóc” tham gia nhóm người tụ tập bị đánh tử vong là thông tin thất thiệt. 

Qua xác minh được biết do người này quấy rối quá quyết liệt nên đến trưa ngày 11-6 đã bị ngất xỉu vừa được đến trạm y tế gần đó cấp cứu. Thế nhưng, lợi dụng vụ việc này, một số đối tượng hô hào “Công an đánh chết dân” để tiếp tục kích động đám đông tấn công lực lượng chức năng.

Đặc biệt, qua sàng lọc các đối tượng bị tạm giữ, cơ quan Công án phát hiện có một số là đối tượng hình sự, nghiện ma túy. Ông Trần Văn T, một người dân ở TP Phan Thiết khẳng định, ông có biết một số đối tượng bị tạm giữ thuộc thành phần bất hảo ở địa phương nơi ông ở. 

Người quá khích đốt xe của cảnh sát PCCC ở Bình Thuận.

“Chúng bị nghiện ma túy, đánh bài, game bắn cá nên khi được ai cho vài trăm ngàn để sai khiến là chúng nghe ngay. Vấn đề quan trọng hơn là các đối tượng còn hứa hẹn sẽ tiếp tục cho tiền tùy theo “thành tích” đạt được nên chúng mới hung hãn, manh động đốt xe, xâm nhập trụ sở tỉnh, ném đá không thương tiếc vào lực lượng Công an. Tôi mong cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay để răn đe chung, tránh lặp lại trong tương lai”.

Còn ông N.T.K, ngụ ở huyện Tuy Phong cho rằng những hình ảnh bạo lực trong hai ngày 10 và 11-6 đã thể hiện rõ hành vi hủy hoại tài sản, làm nghèo cho đất nước khi những thiệt hại về kinh tế từ việc ùn tắc giao thông suốt thời gian dài là rất lớn. 

Mặt khác, vấn đề gây rối còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh thân thiện của người Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Sâu xa hơn, sự manh động này còn ảnh hưởng lâu dài đến phát triển du lịch, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là những nơi trực tiếp xảy ra các vụ gây rối. Và như vậy họ đích thị là những kẻ phá hoại mang danh “lòng yêu nước. 

“Nhưng điều mà tôi thấy buồn hơn là trong những kẻ gây rối có cả các bậc làm cha, làm mẹ cũng vì nhận chút ít tiền mà cùng con cháu tham gia gây rối để làm phương hại ngay chính quê hương mình”. 

Trước đó, sau vụ gây rối đêm 10-6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư tỉnh ủy Bình Thuận đã khẳng định người dân có quyền bày tỏ chính kiến của mình nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật, không được lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Trong buổi họp báo vào chiều ngày 11-6, ông Huỳnh Thái Dương, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận cũng cho biết có 102 người bị tạm giữ trong vụ gây rối và quan điểm của tỉnh là phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. 

Lãnh đạo tỉnh sẽ sớm ổn định tình hình, tránh gây hoang mang cho dư luận xã hội cũng như ngăn ngừa việc cố súy cho các hành vi không phù hợp. Và trên thực tế đến chiều ngày 12-6, tình hình ở các điểm nóng ở Bình Thuận đã bình yên trở lại. 

Tuy nhiên, do chỉ chống đỡ, không chống trả lại những người quá khích nên nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương. Tuy đã vượt quá giới hạn của sự chịu đựng nhưng những người thi hành công vụ ở tỉnh Bình Thuận vẫn bình tĩnh, kiên trì “chịu trận” và nhẫn nại từng bước lập lại trật tự. Bởi họ hiểu, hành động của những người dân là tự phát, làm theo sự xúi giục của kẻ xấu chứ bản chất của họ không phải vậy. 

Anh Hiếu, một người dân Bình Thuận sống tại TP Hồ Chí Minh cho biết người dân vùng biển quê anh chân chất, thật thà. Nên khi xem những cảnh gây rối anh rất buồn và không hiểu chuyện gì đã xảy ra của người dân ở quê mình. 

“Mấy ngày nay tôi không ngủ được. Ba mẹ tôi gọi điện cho biết có một một số người ở quê tôi cũng tham gia vào nhóm gây rối dù bình thường họ hiền như cục bột. Tôi nghĩ họ làm theo tâm lý đám đông và bị một phần xúi giục, mua chuộc của kẻ xấu. Họ đáng thương hơn là đáng trách nhưng cũng cần phải lấy đó làm bài học sâu sắc cho mình” Anh Hiếu trầm ngâm.

Cũng liên quan đến việc lợi dụng bày tỏ thái độ không đồng tình với dự thảo Luật Đặc khu kinh tế đặc biệt hàng nghìn công nhân Công ty Pouyuen, nằm trên địa bàn quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh) tràn ra đường, tụ tập la lối ảnh hưởng đến giao thông, an ninh trật tự. 

Trước tình trạng đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo hàng trăm các bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Công an quận, phường … có mặt tại cổng công ty này để ổn định tình hình. Trong đó, biện pháp chính là giải thích, động viên người dân, công nhân cần bình tĩnh, kiềm chế, tránh bị kẻ xấu xúi giục dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. 

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, qua nắm bắt tình hình, công an TP Hồ Chí Minh xác định có một nhóm người âm mưu chống phá, xuyên tạc tình hình, kích động công nhân đình công để xuống đường. 

Đến chiều 12-6, trật tự ở khu vực này đã ổn định; Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ một số đối tượng quá khích, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản để làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.                          

M.H
.
.
.