Người dân ngậm ngùi tiễn đưa linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Thứ Hai, 19/03/2018, 22:35
Tối 19-3, hàng trăm người dân Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã đến nhà riêng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải để tiễn linh cữu ông đến Hội trường Thống Nhất để tổ chức theo nghi thức Quốc tang.


Trước đó cả ngày 19-3, với cái nóng như đổ lửa, dòng người từ các nơi vẫn đổ về lễ tang. Có người bắt xe đò vượt hàng trăm cây số từ miền Tây, tìm đến tận xã Tân Thông Hội chỉ để đứng trước di ảnh của cố Thủ tướng Phan Văn Khải mà ngậm ngùi thắp nén nhang rồi tất tả lên xe để kịp giờ về quê.

Chị Nhung bùi ngùi khi nhớ về những kỷ niệm cùng bác Hai Khải.

Anh Võ Văn Tuấn (quê An Giang) cho biết, được tin bác mất, tôi thức từ đêm hôm qua bắt xe đò lên đây cho kịp giờ viếng bác. Bác là ân nhân giúp đỡ gia đình tôi lúc ngặt nghèo nên dù vài trăm cây số hay xa mấy đi nữa tôi cũng về để thắp cho bác nén hương cuối cùng này.

Trong dòng người đến viếng “bác Hai Khải” – cái tên thân mật mà các đồng chí, chòm xóm vẫn gọi cố Thủ tướng Phan Văn Khải, có một người đàn ông ăn mặc tươm tất đứng lấp ló phía ngoài cổng ngập ngừng chờ đến lượt mình vào viếng.

Đó là anh Nguyễn Thanh Phong người đã nhiều lần cắt tóc cho bác Hai Khải và được chụp hình chung với bác Tấm hình đó được anh Phong rửa ra và treo trang trọng trong tiệm cắt tóc nhỏ nhắn của mình. Nhớ lại lần đầu tiên cắt tóc cho vị nguyên thủ vào một buổi sáng năm 2014, anh Phong vẫn còn cảm giác run run.

Nhiều người chưa kịp cất hành lý vội vả vào viếng.
Để thắp nén nhang cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải cụ già này phải nhờ người thân dìu.
Ôn lại kỷ niệm cùng cố Thủ tướng Chính Phủ

Dù được người nhà bác Hai Khải báo trước nhưng anh Phong vẫn có cảm giác sợ khi lia kéo trên mái đầu bạc còn lấm tấm vài sợi tóc đen của vị nguyên thủ. Thấy anh Phong mất bình tĩnh, bác Hai ôn tồn “Con cứ cắt như người bình thường, cắt theo kiểu cũ ngắn lên chút là được!”. Rồi cảm giác lo lắng cũng qua đi và 4 năm nay, bác Khải là vị khách “mối” đặc biệt của tiệm hớt tóc của anh Phong.

“Lần cuối tôi được cắt tóc cho bác là cuối năm 2017, lúc đó bác còn khỏe lắm! Hôm bữa mới sáng sớm ba tôi về báo bác Hai mất, tôi bần thần như vừa mới mất đi người thân thiết nhất của mình! – anh Phong ngậm ngùi.”

Tang lễ tại nhà riêng cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.

Bùi ngùi trước di ảnh của cố Thủ tướng, ông Dương Văn Bạo - cựu chiến binh xã Tân Thông Hội chia sẻ, “Từng là một trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, thế nhưng khi trở lại quê hương, bác luôn giữ tính cách bình dị, gần gũi.

Tôi nhớ có lần anh em cựu chiến binh đến thăm, bác mở cửa phòng truyền thống cho chúng tôi tham quan rồi “thòng” thêm một câu với anh em: “Đáng lẽ khi tao chết thì anh em tụi bay mới được vào thăm nơi này đó!” Bây giờ đứng tại nơi đây, nhớ lại câu nói vui ngày trước mà không khỏi bùi ngùi. Trước hương linh của bác, chúng tôi chỉ biết hứa nguyện suốt đời chiến đấu hy sinh bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc Việt Nam.

Đứng cạnh ông Bạo, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chung chia sẻ thêm, “Bác Hai Khải là một trong những vị lãnh đạo có tính cách bình dị nhất mà tôi được biết. Có lần anh em cựu chiến binh vào gặp bác, vừa đến phòng khách, bác đã hỏi ngay “Anh em chúng bay cần cái gì!”. Gương mặt phúc hậu, câu nói thân tình khiến anh em cựu chiến binh cũng dễ tiếp xúc và trải lòng với bác. Những bộ trang phục tươm tất anh em cựu chiến binh chưa kịp đề xuất thì bác Hai Khải đã nhắc nhở để địa phương chăm lo cho anh em.

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tất tả từ lễ tang cố Thủ tướng Phan Văn Khải trở về UBND xã Tân Thông Hội làm việc, vừa xong công việc chị Phan Thị Cẩm Nhung - Phó chủ tịch HĐND xã Tân Thông Hội trở lại lễ tang để lo công việc như một người thân trong gia đình. “Bác Hai Khải coi tôi như một người con trong gia đình nên trong những giây phút này tôi muốn làm tròn trách nhiệm của một người con đối với “cha” của mình!”- Chị Nhung ngậm ngùi.

Đến đến bác Khải, chị Nhung lại bật khóc. Thời gian dường như đọng lại để những kỷ niệm và cảm xúc ùa về. Chị kể, năm 2007 lúc đó chị là Phó chủ tịch UBND xã, bác Hai Khải xong nhiệm vụ của Đảng và Nhân dân giao phó trở về quê, chị và một số lãnh đạo trong xã có đến tiếp xúc với bác. Lúc đầu chỉ những người lớn tuổi tiếp chuyện với bác, riêng chị chỉ biết nép vào một góc nhà. Mấy lần sau gặp bác hai Khải đi cúng đình chị Nhung mới dám tiếp cận hỏi thăm sức khỏe của bác, vậy mà bác nhớ.

Những người trong đền Thông Hội ngồi chờ đoàn xe di quan linh cữu cố Thủ tướng.
Người dân Củ Chi đứng chờ tiễn biệt cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Sau nhiều lần trò chuyện chị Nhung đánh bạo xin gặp bác để giải bày những trăn trở của mình. Chị kể, lúc đó xã còn nghèo quá, con em nông dân đến trường khổ cực, nhiều em bỏ học vì không có tiền. Chị đánh bạo nói với bác Hai Khải dự định lập hội khuyến học cho học sinh của xã, bác nghe xong chưa trả lời liền mà hẹn về suy nghĩ trả lời sau.

Khoảng 3 ngày sau chị nhận được điện thoại của bác, chưa biết chuyện gì xảy ra thì bác nói trong điện thoại “Mày với Chủ tịch Hội đồng Nhân dân vào đây gặp bác!”. Nhận được điện thoại, vừa mừng vừa lo không biết chuyện gì xảy nhưng hai anh em đánh bạo vào nhà gặp bác. Bác đưa ra 400 triệu nói” “Về lên kế hoạch ra quyết định thành lập Hội Khuyến học đi. Tao trực tiếp làm Chủ tịch Hội Khuyến học, Nhung làm Phó Chủ tịch.

Các đơn vị thuộc CAND và quân đội chuẩn bị an ninh trong buổi di quan.

Người thân của cố Thủ tướng Phan Văn Khải ngậm ngùi đưa tiễn
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại tang lễ cố Thủ tướng Phan Văn Khải
Hàng trăm người dân đứng chặt 2 bên đường chờ linh cữu cố Thủ tướng đi qua

Lần đầu tiên trong đời 2 anh em mới cầm một số tiền ngoài sức tưởng tượng nên trên đường về lo lắng sợ bị cướp. “Lúc đầu định nhờ bác xin các mạnh thường quân vài chục triệu để lập Hội nhưng không ngờ số tiền lại quá mức mong đợi, lúc đó chúng tôi vui lắm”. Hai ngày sau bác lại kêu vào rồi đưa thêm 470 triệu đồng. Rồi những lần kế tiếp số tiền mà các mạnh thường quân đóng góp, bác đưa vào Quỹ Khuyến học lên đến 1,5 tỷ đồng.

Có tiền, có quyết định thành lập quỹ, nhiều trẻ em trong xã không còn bỏ học. Đến nay mỗi năm Quỹ Khuyến học đã giúp cho gần 200 em học sinh trong xã có tiền đến trường. Rồi năm 2013, chị Nhung chuyển qua làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Quỹ Khuyến học trao lại cho người khác theo đúng thẩm quyền, chị thưa với bác, bác nói “Mày nghỉ trong hội thì tao cũng nghỉ luôn giao cho người khác trẻ trung năng động làm!”.

Xe chở linh cữu cố Thủ tướng lăn bánh hướng về Hội trường Thống Nhất.


Dọc tuyến đường vào tang lễ của cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nhiều chốt Công an phối hợp với dân quân, bảo vệ dân phố… hướng dẫn các đoàn viếng vào vị trí. Nắng như đổ lửa, lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng các chiến sĩ vẫn nhiệt tình hướng dẫn bà con. 

Một chiến sĩ công an cho biết: “Anh em trong xã phối hợp với Công an huyện Củ Chi, Công an TP Hồ Chí Minh liên tục bám chốt để giữ gìn trật tự cho bà con đến viếng bác Hai Khải. Em là lứa sinh sau đẻ muộn, chỉ nghe được những đóng góp to lớn của bác Hai Khải từ chỉ huy, từ các chú các bác đi trước. Được bảo vệ cho giấc ngủ của bác Hai Khải là vinh dự cho lớp đàn em chúng em!”

Ngồi trao đổi với chúng tôi, khi nhắc đến “bác Hai Khải”, Trung tá Lê Văn Tuấn - Trưởng Công an xã Tân Thông Hội không giấu vẻ tự hào về một vị Nguyên Thủ tướng, một người con của đất thép thành đồng Củ Chi giản dị, gần gũi, nhân hậu. Chín năm về làm trưởng Công an xã Tân Thông Hội, trung tá Tuấn nhiều lần được gặp gỡ tiếp xúc với bác Hai Khải.

Mỗi lần tiếp xúc với cán bộ chiến sĩ Công an xã, khi biết công an viên của xã có cuộc sống khó khăn vừa phải lo an ninh trật tự trong xã vừa phải làm thêm nhiều việc để ổn định cuộc sống, bác Hai Khải luôn ân cần nhắc nhở, động viên anh em ráng vượt khó. Lời bác Hai Khải dặn dò anh em Công an xã đến giờ anh em còn nhớ mãi, nhất là câu bác nói “Muốn địa phương giàu đẹp tốt hơn thì an ninh trật tự phải được giữ vững!”.

Vì nhân sự ít ỏi, nên Trung tá Tuấn luôn động viên các chiến sĩ qua điện thoại: “Anh em cán bộ chiến sĩ trong xã ít nên tôi phải động viên anh em ráng giữ chốt để đảm bảo lễ tang của bác Hai Khải diễn ra trong không khí trang nghiêm.”

Dù biết sau quốc tang linh cữu của cố Thủ tướng Chính Phủ Phan Văn Khải sẽ được an táng tại quê nhà nhưng người dân vẫn ngậm ngùi…

M.Đức (ảnh)
.
.
.