Hà Nội kiến nghị không sáp nhập một số sở, ngành

Thứ Bảy, 30/09/2017, 16:19
UBND TP Hà Nội đã kiến nghị với Quốc hội không sáp nhập một số sở, ngành như Quy hoạch - Kiến trúc; Xây dựng; Giao thông Vận tải để phù hợp với thực tiễn đô thị lớn...


Là kiến nghị của UBND TP Hà Nội tại buổi làm việc sáng 30-9 của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội trước Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV. 

Kiến nghị giữ nguyên một số sở, ngành

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017, đồng thời nêu một số tồn tại, hạn chế...

Tại buổi làm việc, UBND TP nêu một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với một số nội dung cụ thể như: Cho phép Hà Nội được chủ động lựa chọn nhà đầu tư ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết đô thị vệ tinh (Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai); phân cấp, uỷ quyền cho thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A có vốn ngân sách của thành phố... 

Thành phố Hà Nội cũng nêu các đề xuất về cải tạo xây dựng chung cư cũ; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, việc thu hồi đất và triển khai dự án hai bên tuyến đường theo quy hoạch được duyệt; tiếp tục duy trì không sáp nhập các sở: Quy hoạch - Kiến trúc; Xây dựng; Giao thông Vận tải để phù hợp với thực tiễn đô thị lớn...

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội làm việc với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội sáng 30-9

Bức xúc vì lạm thu đầu năm học

Cũng tại buổi làm việc sáng 30-9, nhiều cử tri Hà Nội bức xúc về các khoảng thu tự nguyện nhưng như... bắt buộc. “Đầu năm học mới, nhiều trường, lớp có các khoản thu tự nguyện nhưng như “bắt buộc”, khiến người dân băn khoăn và bức xúc vì “đóng góp tự nguyện thì ấm ức, không đóng lại sợ con mình bị trù úm”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội bày tỏ, đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt để chấm dứt tình trạng này… 

Ngoài ra, cử tri còn phản ánh mức thu phí đường bộ tuyến quốc lộ 5 cũ tăng quá cao, không hợp lý. Do đó, đề nghị Chính phủ có chỉ đạo rà soát lại các trạm thu phí, có quyết định phù hợp, sát thực tế.

Còn 32 “điểm đen” ùn tắc giao thông

Về ùn tắc giao thông, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đến thời điểm hiện nay, toàn thành phố còn 32 “điểm đen” có hiện tượng ùn ứ nhưng việc ách tắc kéo dài quá 30 phút đã giảm hẳn. 

Từ đầu năm 2016 đến nay, các chương trình xây dựng liên quan đến hạ tầng giao thông đều được thành phố quan tâm. Ngày 10-3-2016, thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đã họp và đề xuất Thủ tướng Chính phủ 7 công trình giao thông cấp bách. Đến nay  đã hoàn thành được 2 công trình (cầu vượt Trần Khát Chân, cầu vượt Cổ Linh) và đang tiếp tục hoàn thiện 5 công trình còn lại. 

Thành phố cũng đang chuẩn bị toàn bộ các dự án để đầu tư giai đoạn 2016-2020. Trong 52 công trình trọng điểm, có 39 dự án giao thông đã được thực hiện khẩn trương. Với việc làm cấp tốc và nhanh như hiện nay, hy vọng đến năm 2020, cơ bản các tuyến giao thông như vành đai 1, 2, 3, 2.5, 3.5 và vành đai 4 sẽ hoàn thành. Thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để đủ tiền thi công các dự án này. 

Ngọc Yến
.
.
.