Gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng từ kết quả Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XII)
- Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
- Bế mạc Hội nghị Trung ương 9
- Trung ương ra Thông cáo ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9
- Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Theo Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng lực lượng vũ trang, Trưởng Ban liên lạc cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam:
Hội nghị Trung ương 9, khóa XII lần này đã bàn nhiều nội dung quan trọng, một trong những nội dung thu hút được sự chú ý của dư luận đó là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026.
Việc lấy phiếu tín nhiệm là việc làm cần thiết, thể hiện sự đánh giá, ghi nhận của Ban Chấp hành Trung ương đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng thời giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác; là một trong những kênh quan trọng để giúp Bộ Chính trị trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về việc Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành thi hành kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực thành ủy TP Hồ Chí Minh bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng. Thiếu tướng Phan Văn Lai cho rằng việc kỷ luật Đảng viên tuy đau lòng, song là việc cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.
Nguyễn Ngọc Uyên Vy, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Bình Dương:
Mấy ngày qua, tôi nghĩ rằng, không chỉ cán bộ đảng viên mà nhân dân trên cả nước rất quan tâm những nội dung diễn ra trong 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm của Hội nghị lần thứ 9, BCH Trung ương Đảng khoá XII. Một điều hết sức đặc biệt lần này chính là Hội nghị cho ý kiến bước đầu về quy hoạch BCH Trung ương khoá XIII, lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Một nội dung khác rất được mọi người dõi theo chính là Trung ương quyết định kỷ luật cán bộ lãnh đạo cấp cao. Tôi theo dõi và nhận thấy rằng, từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, chưa đầy 3 năm nhưng đã có hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có đến 5 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương.
Chúng tôi hiểu, đây chính là những cán bộ Đảng viên đã bị suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Việc Đảng ta công khai kỷ luật như vậy đã giúp người dân thấy được, và hiểu rõ sự nghiêm minh, quyết liệt của Đảng ta đối với những sai phạm của cán bộ, đảng viên, không nể nang, né tránh hay bao che cho sai phạm.
Theo tôi, việc suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một số đảng viên bị phát hiện, xử lý nghiêm thời gian qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo với bất kỳ ai, nắm giữ chức vụ nào, nếu cố tình làm trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân thì đều bị xử lý. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sai phạm của nhiều cán bộ hiện nay là trước "ma lực" của đồng tiền mà họ không vượt qua được do thiếu thường xuyên rèn luyện và tu dưỡng bản thân.
Với những người trẻ đang trong giai đoạn thử thách và phấn đấu để trở thành một đảng viên chính thức trong tương lai như tôi thì đây là một bài học kinh nghiệm hết sức quí giá, phải tránh xa “ma lực” ấy, đồng thời luôn phải nhận thức, hành động đúng với động cơ xây dựng đất nước nếu muốn được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đó chính là vì lợi ích của nước nhà và nhân dân.
Cũng qua đó mà tôi tâm đắc rằng, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Tránh được việc bổ nhiệm “người nhà”. Trong đó, cốt yếu vẫn là phải phát hiện, chọn lựa và rèn luyện cán bộ từ cấp cơ sở. Cán bộ phải qua quá trình thử thách và rèn luyện thì mới hiểu và nắm được tình hình chung.
Đại diện cho giới trẻ của Đại học Bình Dương, chúng tôi rất kỳ vọng BCH nhiệm kỳ tới sẽ là những người thật sự có tâm, có tầm, luôn nghĩ đến và đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Hy vọng, BCH nhiệm kỳ mới sẽ có những đổi mới, trẻ trung để phù hợp với các bạn sinh viên - những người vô cùng sáng tạo trong hành động, suy nghĩ; để lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của tuổi trẻ qua đó thu hút được các bạn tham gia đóng góp hết sức cho phong trào xây dựng kiến thiết đất nước, cho công tác bảo vệ ANTT của Tổ quốc.
Ông Hoàng Đình Toàn, Bí thư Chi bộ xóm 12, xã Nghi Kim, TP. Vinh, Nghệ An:
Hội nghị Trung ương 9, khoá XII chỉ diễn ra trong 2 ngày, rất khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm. Qua theo dõi Hội nghị, tôi thấy Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị cho Đại hội khoá XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 của Đảng từ rất sớm so với các khoá trước.
Về hơn 200 nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII đã được lựa chọn, giới thiệu từ tổ chức cơ sở đảng rồi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét rất chặt chẽ, lựa chọn rất thận trọng, từng bước chắc chắn để lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho Đảng ta, có bản lĩnh, yêu Tổ quốc, kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đủ năng lực, trí tuệ để lãnh đạo đất nước. Tôi cho rằng bước chuẩn bị này rất chủ động và sự cẩn trọng, chắc chắn sẽ loại bỏ được những người có biểu hiện cơ hội, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về lý tưởng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”…
Từ nay đến Đại hội XIII của Đảng không còn nhiều thời gian, cán bộ, đảng viên, nhân dân mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra các cấp, các cấp ủy đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nói chung, trong đó có cán bộ được Trung ương đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ tới.
Đồng thời có thể công khai hơn 200 cán bộ đảng viên trong quy hoạch để cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cơ sở có điều kiện giám sát, theo dõi, đánh giá năng lực, phẩm chất, đạo đức…, góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác giám sát của nhân dân.
Ông Võ Xuân Tân, cán bộ hưu trí Khu phố 2, phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh:
Tôi rất tâm đắc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi đồng chí phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII. Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, tôi thấy ngày càng được Đảng ta thực hiện rất tốt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Trong công tác cán bộ, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Bởi những chủ trương của Đảng có được thực hiện thành công hay không phần lớn là do người đứng đầu, phải đặt lợi ích của quốc gia, của nhân dân và của Đảng lên trên hết. Đồng thời, cần sớm phát hiện, xử lý, thậm chí loại bỏ những người có biểu hiện tiêu cực ra khỏi hàng ngủ của Đảng.
Tôi hy vọng trong thời gian tới, công tác tổ chức cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng cần tiếp tục được thực hiện tốt hơn, sâu sát và thực tế hơn, chứ không thể chỉ nghe qua báo cáo. Bởi như vậy mới có thể đạt hiệu quả trong công tác phòng ngừa, sớm phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng mới phát hiện, xử lý.