Góp ý đề án Bộ luật Lao động sửa đổi: Vẫn “nóng” thời gian làm thêm giờ

Thứ Ba, 17/09/2019, 07:40
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày 20-9 tới đây. Thời điểm này, dự thảo vẫn đang nhận được rất nhiều ý kiến góp ý.

Tại buổi làm việc giữa Bộ LĐ-TBXH với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số hiệp hội doanh nghiệp góp ý cho Dự thảo chiều 16-9, phía doanh nghiệp tiếp tục đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh nhiều vấn đề đang “nóng” như: Thời gian làm việc trong tuần, tăng khung thời gian giờ làm thêm, không lũy tiến thời gian làm thêm theo cách tính mới…

Ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp?

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da dày túi xách Việt Nam, hiện hiệp hội này đang sử dụng đến 1,5 triệu lao động và việc thay đổi Bộ luật Lao động sẽ có những tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. 

Bà Xuân phân tích, nếu giảm thời gian làm việc từ 48h/tuần xuống 44h/tuần, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng thêm lao động. “Ngành chúng tôi hiện đang rất khó tuyển lao động, nhiều nhà máy phải sử dụng cả lao động tuyển đầu vào ở tuổi 50 tuổi. Ngành da giày sản xuất theo thời vụ. 1 năm chỉ sản xuất khoảng 8 tháng mà giảm thời gian làm việc xuống 44h/tuần thì doanh nghiệp phải tuyển khoảng 10% lao động nữa. Chi phí tăng lên tạo thành gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp. Nhưng quan trọng hơn là thực tế hiện nay không thể tuyển được lao động”, bà Xuân chia sẻ.

Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, Phan Xuân Dương cho biết, hiệp hội hiện đang có 16 nghìn lao động. Bộ luật Lao động sửa đổi lần này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của doanh nghiệp. Theo ông Dương, ngành dệt may phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian, giá cả do đó phải cho mở rộng khung thời gian làm thêm giờ để đáp ứng yêu cầu công việc. 

Nhiều doanh nghiệp nằm trong hệ thống của hiệp hội, đơn hàng nhập về kho rồi nhưng khi đối tác vào kiểm tra thấy khung giờ làm thêm chỉ có 300 giờ/năm, không đảm bảo thời gian để hoàn thành, họ sẵn sàng cho bốc đi ngay. Theo ông Dương hiện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều quốc gia khác như: Ấn Độ, Banglades… 

“Doanh nghiệp chết thì người lao động không có việc. Chúng ta ở xuất phát thấp và lại muốn đi chậm thôi,  làm việc ít giờ thôi, trong khi năng suất chúng ta đã thấp mà không bù bằng thời gian làm việc thì doanh nghiệp không thể tồn tại được. Hiện trong hiệp hội, một nửa doanh nghiệp có lãi, một nửa đang phải gánh lỗ. Tình hình năm nay còn thiếu đơn hàng nữa nên sẽ lỗ sâu tiếp nữa”, ông Dương phân trần.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, thời giờ làm thêm như hiện nay là chưa phù hợp đối với các ngành sản xuất trực tiếp. 

“Vấn đề lao động với ngành này hiện nay là cốt lõi. Doanh nghiệp có cạnh tranh được hay không là ở lao động. Như trường hợp của thủy sản, do đặc thù là ngành dịch vụ cho ngư dân, sản xuất theo mùa vụ. Đến mùa thu hoạch, có những thời điểm hàng trăm tấn cá của ngư dân ập đến, doanh nghiệp không thể không nhận sản xuất, mà nhận thì vi phạm quy định về giờ làm việc và bị khách hàng đánh lỗi là làm không đúng quy định của luật lao động. Hiện nay bán hàng theo chuỗi như mặt hàng tôm hay cá tra. Khách hàng đánh giá từ khi nuôi trồng đến ra sản phẩm. Chỉ cần vấp một yếu tố như vi phạm luật lao động là họ hủy luôn đơn hàng. Do đó chúng tôi kiến nghị quy định khung thời gian làm thêm giờ theo năm”, ông Nam đề xuất

Trong khi đó, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng kiến nghị được "nới" thời gian làm thêm giờ. Luật hiện nay đang quy định giờ làm thêm trong điều kiện lao động bình thường là 200 giờ, với những trường hợp cần làm thêm cấp bách thì doanh nghiệp phải làm thủ tục báo cáo xin tăng từ 200 giờ lên 300 giờ, nhưng doanh nghiệp xin được tăng lên 300 giờ rất khó khăn về thủ tục. Do đó bà Huyền kiến nghị mở rộng khung thời gian làm thêm giờ bình thường lên 300 giờ. 

Đối với các ngành nghề như: linh kiện điện tử, dệt may, da giày… thì mở rộng lên 400- 450 giờ và không lũy tiến tiền lương để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. “Nếu chúng ta giảm giờ làm, lũy tiến tiền lương thì doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh, từ đó sẽ không thể xuất khẩu được”, bà Huyền nói.

Các doanh nghiệp đều muốn được mở rộng khung thời gian làm thêm giờ.

Cơ quan thẩm tra không đồng ý

Ở một góc nhìn khác, bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) nhấn mạnh thêm một yếu tố rất quan trọng khi cân nhắc tăng giờ làm thêm, song chưa được đề cập nhiều là các yếu tố về thời vụ. Theo bà Minh, thực tế là hiện nay các doanh nghiệp gia công và có kim ngạch xuất khẩu lớn đều có yếu tố thời vụ. Bên cạnh đó,  đại diện giới doanh nghiệp bày tỏ không đồng tình với đề xuất nếu làm thêm 400 giờ thì doanh nghiệp phải tính lương lũy tiến cho người lao động. 

"Theo quy định hiện hành, rõ ràng là chúng ta đã áp dụng lương lũy tiến rồi, làm thêm giờ trong ngày làm việc bình thường được nhân 150% lương, ngày cuối tuần 200%. Như vậy, đã lũy tiến rồi mà bây giờ lại yêu cầu doanh nghiệp thêm một khâu lũy tiến nữa thì doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí lên gấp bội lần", đại diện phía giới chủ bày tỏ lo ngại.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” thì Việt Nam không thể giảm giờ làm. “Chúng ta đang kêu gọi quốc gia khởi nghiệp nhưng nếu áp dụng luật này vào thì không ai khởi nghiệp nổi. Những người khởi nghiệp đạt được phần thưởng xứng đáng là những người làm việc suốt ngày đêm. Ngày làm việc 8 tiếng thì không ai khởi nghiệp sáng tạo nổi cả”, ông Vũ Tiến Lộc phân trần. 

Theo quan điểm của ông Lộc, luật cần phải mở rộng thời gian làm việc, khung thời gian làm thêm giờ. Ông Lộc cũng cho rằng, so với các quốc gia khác đang cạnh tranh trực tiếp, lợi thế duy nhất của Việt Nam là lao động, trong khi đó luật lại bó buộc thời gian lao động thì không hợp lý.

Đứng ở góc độ cơ quan thẩm tra dự án luật, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định không ủng hộ việc mở rộng khung giờ làm thêm. Lý do là xu hướng của các nước hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm chứ không phải làm việc với mức thu nhập cao nhưng sức khỏe người lao động lại không được đảm bảo. 

Ông Lợi cho rằng, đại diện phía doanh nghiệp nói có lý nhưng phải nhìn vào thực tế. Quan điểm của chúng ta là sẽ không tăng thời gian làm thêm, nhưng cũng không giảm thời gian làm việc trong tuần từ 48h xuống 44h/tuần. "Chính phủ đang muốn kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giải quyết vấn đề làm thêm giờ chỉ trong một số ngành nghề, lĩnh vực rất đặc biệt và phải điều chỉnh tiền lương theo lũy tiến. Vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định nhưng quan điểm của ủy ban thẩm tra chúng tôi là không đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Phan Hoạt
.
.
.