Gỡ “mạng nhện”, sáng chân lý

Thứ Hai, 25/11/2013, 06:29
“Chân lý bản thân nó đã là minh chứng. Ngay khi bạn dỡ đi mạng nhện ngu dốt xung quanh, nó sẽ sáng lòa” - danh ngôn Mahatma Gandhi, Ấn Độ đã đúc kết như vậy và điều này đáng ngẫm với các chính kiến đi ngược với ý chí, nguyện vọng toàn dân trong góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (DTSĐHP)...

Cuối tuần này, Quốc hội sẽ chính thức biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Như vậy, sau hơn một năm thảo luận tại 3 kỳ họp Quốc hội liên tiếp và 3 tháng lấy ý kiến nhân dân cùng hàng loạt các hoạt động liên quan như hội thảo, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý..., bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung, nay đã hội đủ điều kiện biểu quyết thông qua. Quá trình làm việc nói trên thể hiện tinh thần khách quan, cẩn trọng của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP), cũng như sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trước vấn đề hệ trọng của quốc gia, đảm bảo bản Hiến pháp là sản phẩm khoa học, thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Điều đáng nói là cho đến thời điểm này, trên mạng Internet vẫn tiếp tục xuất hiện các luận điệu chống phá theo kiểu: dự thảo Hiến pháp không có điểm gì mới, không tiếp thu những vấn đề “xác đáng”, thậm chí một số diễn đàn còn lên tiếng thu thập chữ ký nhằm mục đích gây áp lực phản đối việc Quốc hội thông qua. Trên thực tế, những luận điệu, hành vi này đã được các thế lực xấu soạn hẳn kịch bản, lên kế hoạch kích bác, đả phá ngay từ khi Quốc hội ra Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhận thấy lời “hiệu triệu” không có kết quả, một số thế lực đổi chiêu vận động cái gọi là “chữ ký ủng hộ”. Tuy nhiên, cộng đồng mạng ngày càng cho thấy sự sòng phẳng, khách quan khi đã xuất hiện nhiều diễn đàn do các bạn trẻ lập ra, phản bác thẳng những luận điệu thù địch, phản động.

Các lập luận, chứng minh hết sức logic như khẳng định việc yêu nước phải bằng hành động thực tiễn góp phần xây dựng đất nước chứ không phải là của những kẻ vô công rỗi nghề, lên mạng “chém gió” hô hào mà trí tuệ chỉ là “ếch đáy giếng”...

Trong hơn năm qua, trước hàng triệu ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đáng nói là nhiều ý kiến trái với dự thảo, trái với ý chí, nguyện vọng dân tộc cũng bằng cách này hay cách khác được chuyển tới ban soạn thảo. Với tinh thần cầu thị và tôn trọng tất cả các ý kiến đóng góp, ban soạn thảo đã tập hợp đầy đủ ý kiến, cùng với đó là báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý. Chẳng hạn, liên quan ý kiến đề nghị cần khuyến khích có thêm một vài Hiến pháp mẫu và được trao đổi công khai để so sánh, đối chiếu, ý kiến trình thêm dự thảo mới, Ủy ban DTSĐHP đã tập hợp ý kiến và giải thích rõ: theo Nghị quyết của Quốc hội thì dự thảo sửa đổi Hiến pháp được công bố lấy ý kiến nhân dân là dự thảo đã được nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 11/2012) và phạm vi lấy ý kiến nhân dân là về toàn bộ nội dung của dự thảo, nhân dân được tự do thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về mọi quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp và có thể đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung đối với những quy định này. Một số ý kiến có “đề nghị lạ” như đòi lập Hạ viện, Thượng viện, Tổng thống hay đưa ra nguyên tắc “tam quyền phân lập” (hay còn gọi là nguyên tắc phân quyền), Ủy ban cũng giải thích rất rõ, lý thuyết này không phù hợp với yêu cầu tổ chức quyền lực ở Việt Nam, nơi mà tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Tương tự, có ý kiến đề nghị yêu cầu phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và cho rằng phải như vậy “mới bảo đảm dân chủ”. Ý kiến này chỉ là quan điểm của một số người, không được nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, với nguyên tắc tôn trọng tất cả ý kiến góp ý, Ủy ban DTSĐHP đã giải thích rõ, ở Việt Nam không có tiền đề cho đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Nước ta chỉ có một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng ta luôn là Đảng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. “Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng, mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho lợi ích của giai cấp nào cũng như cách thức vận hành cụ thể của bộ máy nhà nước trong từng xã hội” - Ủy ban nêu rõ.

Hay gần đây có một số ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng Hiến pháp, Ủy ban DTSĐHP cũng rất cầu thị bằng việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm và lấy ý kiến đại biểu để xem xét một cách khách quan, khoa học nhất. Kết quả cho thấy, hầu hết đại biểu Quốc hội tán thành quan điểm của Ủy ban DTSĐHP là không quy định nội dung thành lập Hội đồng Bảo hiến trong dự thảo. Quan điểm của Ủy ban dự thảo nêu rõ: “Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo”.

Như vậy, quá trình lấy ý kiến về bản dự thảo Hiến pháp, mọi người được tự do thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về mọi quy định trong dự thảo và có thể đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung đối với những quy định này. Tất cả đều được tập hợp đầy đủ, Ủy ban DTSĐHP không bỏ qua ý kiến nào. Tuy nhiên, việc tiếp thu, chỉnh lý là phải dựa trên cơ sở chân lý, khoa học, phù hợp thực tiễn ở Việt Nam, theo đó những ý kiến thể hiện chính kiến, nguyện vọng nhân dân, có cơ sở khoa học đều được tiếp thu, chỉnh lý. Ngược lại, những ý kiến chỉ mang tính cá nhân, không có cơ sở khoa học, không phù hợp với ý chí, nguyện vọng nhân dân ta thì không bổ sung, nhưng các ý kiến đó vẫn được Ủy ban nghiên cứu và có giải đáp rõ ràng, công khai, hoàn toàn không có gì né tránh

Đăng Minh
.
.
.