Giữa con và tiền

Thứ Năm, 23/12/2004, 07:09
Trước Toà, người phụ nữ dõng dạc lặp đi lặp lại lời khẳng định rằng, chị chấp nhận hoàn trả số tiền  hơn 1 tỉ đồng cho người cha để giành lại quyền nuôi con mình.

Đó là phiên toà hy hữu tại TAND tỉnh Đồng Nai ngày 14/12/2004. Một vụ tranh chấp? Không phải. Chỉ là một vụ xin hủy quyền nuôi con nuôi của một người phụ nữ, cuộc đối chất trước tòa trở thành cuộc tranh chấp một đứa con. Có ba người liên quan trong phiên toà: chị, người đàn ông và người cậu của chị.

Sau phiên tòa tôi đã xin gặp chị ít phút. Chị, 23 tuổi, dáng người cao ráo và... đẹp. Nhà nghèo, chị mới học hết lớp ba, 16 tuổi chị đã phải đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Biên Hòa bán vé số phụ cha mẹ nuôi 3 đứa em thơ dại. Còn "chồng" chị, hơn 50 tuổi, một Việt kiều giàu có, đã có vợ và con bên Mỹ.

Chị gặp ông lần đầu tiên khi chị đang đi bán vé số. Thời gian sau, ông tìm đến tận nhà chị, một túp nhà nghèo nằm bên cù lao, ông đã giúp gia đình chị xây cất một căn nhà rộng lớn và khang trang. Ông nói với chị rằng, tuy ông có vợ con bên Mỹ nhưng ông đã ly thân và đang chờ ngày được tòa xử cho ly dị.

Chị chấp nhận về sống với ông trong một ngôi biệt thự sang trọng, có xe con đưa rước và có những người giúp việc. Chị chỉ tin ông, chị hy vọng vào một tương lai được xây đắp ở phương trời mới như những lời đường mật từ miệng ông.

Năm 2000, chị có thai, ông muốn chị phá bỏ vì ông cần “hưởng thụ” thêm một thời gian nữa. Nhưng chị lại quyết sinh đứa con ngoài giá thú này. Thêm một vài mâu thuẫn lặt vặt, ông và chị đường ai nấy đi khi cái thai mới chỉ 3 tháng tuổi.

Chị sinh một thằng bé kháu khỉnh... mang họ mẹ. Ông vẫn đến thăm và lần nào đến cũng trao cho mẹ con chị một món tiền. Năm 2003, chị xin được một công việc tốt dưới Sài Gòn, chị viết giấy “trao” con mình cho người cậu ruột của mình - cha nuôi đứa bé - quyền được nuôi thằng bé.

Người cậu nuôi thằng bé một thời gian thì giao lại cho chính người cha đẻ nuôi dưỡng. Giữa người cậu, chị và ông Việt kiều đã làm một tờ giấy thỏa thuận, đại ý: ông sẽ nuôi con, còn chị sẽ được số tiền hơn 1 tỉ đồng, số tiền quá lớn đối với những suy nghĩ của chị.

Chị ký giấy, bởi, chị nghĩ đơn giản rằng, giao con cho ông, thằng bé sẽ được đảm bảo một cuộc sống sung sướng giàu sang, Ông còn hứa sẽ lần lượt đưa cả hai mẹ con qua bên Mỹ sinh sống và chị vẫn được đến thăm con tại ngôi biệt thự nếu chị nhớ nó.

Một lần, chị xin ông được thăm con. Ông làm mặt lạnh rồi ra một điều kiện: chị chỉ được đứng ngoài hàng rào và phải bịt mặt kín bằng khẩu trang mới được nhìn con.

Nỗi đau đớn và tủi nhục làm chị bật khóc. Có lẽ chỉ đến khi phải đứng trước ngôi biệt thự sang trọng ấy, mẹ con bị ngăn cách bằng một hàng rào vòi vọi, trái tim người mẹ trong chị mới thổn thức, mới biết đau. Chị về làm đơn gửi lên TAND tỉnh Đồng Nai “xin hủy quyền nuôi con nuôi” đối với người cậu của mình, quyết tâm đòi con, để lại được nghe tiếng gọi mẹ thánh thót của thằng bé!

 Nếu chị “lờ” đi, chị đã có 1 tỉ, chị yên tâm lấy một người chồng đàng hoàng và cuộc sống của chị không bị thằng bé làm ảnh hưởng? Trái tim chị đã trả lời: Không, chị không thể đổi con để lấy những đồng tiền, dù số tiền ấy chị có nai lưng làm cả đời cũng không bao giờ có được.

Cuộc đời ai cũng có thể có lúc phạm phải lỗi lầm nhưng biết nhận ra lỗi lầm để sửa chữa là điều hết sức cần thiết. Chị đã làm được điều đó. Tôi nghĩ chị đã hành động như hầu hết những người mẹ trên thế gian này

Th.Th.
.
.
.