Giới hạn của “thế giới phẳng”

Thứ Sáu, 09/08/2013, 18:07
Khái niệm “thế giới phẳng” được Thomas Friedman dùng làm tên cho cuốn sách của mình, chỉ sự phát triển toàn cầu hóa với 10 nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự bùng nổ Internet khiến cho các mô hình chính trị, xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết. Cũng từ đây, nhiều người quan niệm, với thế giới Internet, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng lỳ, không có rào cản và bất cứ ai cũng có quyền tự do trao đổi, thể hiện quan điểm, chính kiến, tự do nói, viết, làm những gì mình thích trên không gian mạng. Quan niệm này mặc nhiên coi thế giới phẳng của Internet khác biệt với thế giới bên ngoài ở “sự tự do không thể kiểm soát”!

Trong bài viết của Tiến sĩ Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa “Đừng hoang tưởng về một thế giới phẳng”, ông lập luận: Thế giới cũng sẽ không phẳng sau sự lan tỏa toàn cầu của mạng lưới Internet. Thế giới sẽ vẫn là thế giới ta đã quen biết với rất nhiều cách biệt giữa các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô học, đạo đức và bất lương, thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và quốc gia nghèo đói.

Ông nói “nhưng một chữ bị lạm dụng nhiều nhất có lẽ là "thế giới phẳng". Quả thực, nhiều người cố tình hoặc lý do nào đó ngộ nhận về những quyền hạn quá mức trên “thế giới phẳng” để tự cho mình những hành vi vượt giới hạn, xâm phạm đến quyền, lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân. Mới đây, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về việc quản lý, cung cấp và sử dụng Internet, dịch vụ thông tin trên mạng, luồng ý kiến theo quan điểm tự do trên “thế giới phẳng” đã có những bài viết nhìn nhận sai lệch. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động viện lý do này lái vấn đề sang chiêu bài dân chủ, nhân quyền, cho rằng nội dung Nghị định đã “siết” Internet, vu cáo Nhà nước áp đặt quản lý, ngăn cản quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí...

Ở đây, cần thống nhất nguyên tắc: thế giới phẳng hay không phẳng chỉ là cách hiểu của thời đại công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật bùng nổ, còn bản chất của thế giới vẫn đầy đủ những đặc tính xưa nay. Do đó, thế giới mạng Internet cũng phải chịu sự quản lý bằng pháp luật như những gì mà các thể chế Nhà nước đã thực hiện để quản lý xã hội. Nghị định 72 của Chính phủ với nội hàm quy định chi tiết việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin, trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin. Mục đích là quản lý để đảm bảo an ninh, an toàn, phục vụ sự phát triển xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngay tại Điều 4, quy định chính sách phát triển, quản lý Internet và thông tin trên mạng, Nghị định nêu rõ chính sách “thúc đẩy việc sử dụng Internet trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống”. Đồng thời, “ngăn chặn những hành vi lợi dụng Internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định của pháp luật”. Như vậy, mục đích của việc ban hành Nghị định có hai vế rõ ràng, đó là thúc đẩy Internet phát triển và việc sử dụng Internet phải tuân theo các nguyên tắc vì lợi ích chung. Việc thực hiện tốt các nội dung Nghị định cũng chính là bảo đảm thực hiện chính sách về quyền con người.

Một số ý kiến cho rằng, quản lý Internet như Nghị định 72 là “đi ngược xu thế phát triển” và “chỉ có ở các nước đang phát triển”. Đây là suy diễn mang tính quy chụp. Mỗi nước có tỷ lệ sử dụng Internet khác nhau, nhưng chính các nước phát triển đã khởi đầu việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý Internet. Mỹ, nước mà nhiều người gọi “thiên đường tự do” quản lý Internet thế nào? Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cho thành lập một lực lượng mới có nhiệm vụ phát triển các công nghệ có khả năng kiểm soát thông tin trên Internet cũng như các liên lạc bằng điện thoại di động. Đáng chú ý, Trung tâm Hỗ trợ truyền thông nội địa - tên gọi của lực lượng mới này, hoạt động bí mật và có nhiệm vụ chính là phát triển các công nghệ theo dõi, nhằm giúp cảnh sát theo sát các nghi phạm khi chúng dùng công nghệ hiện đại để liên lạc nhau. FBI cho rằng, việc thành lập trung tâm này là cần thiết vì công nghệ ngày càng phát triển như vũ bão, trong khi cảnh sát lại không có các công cụ hỗ trợ để có thể kiểm soát các phương pháp truyền tải thông tin liên lạc tân tiến. Còn tại Anh, Chính phủ Anh đã công bố dự thảo kế hoạch giám sát tất cả thông tin đăng nhập, cuộc hội thoại hay thư điện tử trên Internet và mạng điện thoại. Không chỉ giám sát các hoạt động trao đổi thông tin trực tuyến, nhà chức trách tại Anh còn tuyên bố những ai kháng cự kế hoạch trên chỉ có thể là tội phạm mạng hoặc các tổ chức chống chính quyền.

Soi chiếu với Nghị định 72 thì các quy định luật pháp tại các nước phát triển như nêu trên thực sự khắt khe hơn nhiều. Nước Mỹ, nước Anh và nhiều nước trên thế giới quy định như vậy, một xu hướng tất yếu và đủ tính khoa học, hà cớ gì lại vu cáo Việt Nam quản lý Internet là “vi phạm nhân quyền”?

Nhìn rộng như thế, còn nhìn gần? Xưa, một cá nhân nào đó vu khống, bôi nhọ, chửi đổng người khác trước khu phố, bản làng, việc ấy trước tiên bị làng bắt phạt, không ai gọi đó là “tự do ngôn luận”. Thế thì cớ làm sao vu khống, bôi nhọ trên mạng - nơi không phải một phố, một làng mà khiến hàng triệu, hàng tỷ người biết, lại khoác cái áo “ngôn luận” để đứng ngoài vòng pháp luật?

Đăng Trường
.
.
.