Giải pháp khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội

Thứ Ba, 30/10/2018, 16:58

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trong việc đề ra giải pháp nhằm hạn chế sự xuống cấp đạo đức, lối sống, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 30-10, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Đây là một câu hỏi rất quan trọng, rất khó và có thể nói là để thực hiện được thì cần phải có thời gian lâu dài”.

Trả lời về giải pháp khắc phục xuống cấp đạo đức xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến việc chấn chỉnh quản lý lễ hội; xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa và tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, sau 18 năm.

Cũng theo người đứng đầu ngành VHTTDL, một giải pháp nữa là đẩy mạnh xây dựng đạo đức, lối sống thông qua việc xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng… 

Giải pháp tiếp theo là phát huy thế mạnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với việc xây dựng đạo đức, văn hóa, lối sống, đề cao vai trò giáo dục đạo đức dân tộc, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Đồng thời, làm sao để ngày càng có thêm nhiều phim, tác phẩm có tác dụng nghệ thuật cao, góp phần bồi bổ nhân cách, phát huy tài năng, tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ, giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường thân thiện, đưa di sản văn hóa vào trường học…

Nhận định rằng sự suy thoái của đạo đức, lối sống xuất phát từ cái gốc là kinh tế và những tác động của nó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng nếu giải quyết vấn đề này mà bỏ kinh tế sang một bên thì không xử lý được.

“Chỗ này có thể nói là rất khó, dù cấp bách và nhiều trăn trở nhưng nếu để một mình ngành văn hóa và một số ngành khác xoay sở thế này, kinh phí ít thì không thể thực hiện ngay được. 

Bác Hồ từng nói “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, việc xây dựng con người mới, khắc phục những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, vì thế dù chúng tôi đang quyết liệt, mạnh mẽ để thực hiện nhưng lại cần sự vào cuộc của toàn xã hội”, Bộ trưởng bày tỏ.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nói: Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển văn hóa và thay đổi đạo đức xã hội cần kinh tế. “Phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Trước đây chúng ta còn nghèo, chúng ta rất khó khăn nhưng đạo đức xã hội được duy trì và văn hóa rất tốt. 

Bây giờ chúng ta thoát nghèo, nhưng nền tảng đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách trầm trọng. Vậy đâu là nguyên do? Nguyên do đầu tiên, muốn có đạo đức, nhân cách thì hình thành từ gia đình. Bố mẹ là tấm gương cho các con.

Thứ hai, đào tạo thầy cô chính là tấm gương cho học trò. Tiên học lễ, hậu học văn, chúng ta học quá nhiều văn mà không quan tâm đến lễ, chúng ta học quá nhiều chữ, trước khi dạy các em, các cháu thành người. Đây chính là lý do sự xuống cấp đạo đức xã hội.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị  “nếu cứ để ngành văn hóa và một vài ngành khác xoay sở thì không giải quyết được vấn đề. Ngay trong việc phân bổ ngân sách, kể cả các địa phương, có thể nói là dành cho ngành văn hóa rất ít. Tôi lấy 1 ví dụ, trong 3 năm vừa rồi ngân sách cấp cho bảo tồn văn hóa phi vật thể chỉ được 7,3 tỉ đồng. Vì thế nếu không có giải pháp đồng bộ thì rồi đến nhiệm kỳ sau ai đó làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL, lại sẽ tiếp tục bị chất vấn về đạo đức xã hội. Vì vấn đề này là rất khó, lâu dài và không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều được”.

Thu Thuỷ
.
.
.