KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG, 70 NĂM NGÀY BÁC HỒ KÝ SẮC LỆNH 56:

Gắn kết và bảo vệ quyền lợi người lao động

Chủ Nhật, 01/05/2016, 06:33
70 năm trước, trong Ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, Bác Hồ kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa”. 


130 năm trước, ngày 1-5-1886, tại thành phố Chicago (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, công nhân toàn thành phố đã tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc).

Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân. Vụ tàn sát đẫm máu sau ngày 1-5-1886, gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Hơn một năm sau, ngày 11-11-1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị chính quyền treo cổ. Tuy phong trào bị đàn áp, nhưng chính quyền buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ.

Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động tất cả các nước trên thế giới. 

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II được triệu tập ngày 14-7-1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1-5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.

Nhìn lại cuộc đấu tranh của công nhân 130 năm trước cho thấy, vấn đề thời gian lao động và mức thu nhập có ý nghĩa sống còn. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới (khi đó, nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt, các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14-18 giờ, trở thành sức ép khủng khiếp).

130 năm qua, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 đã trở thành ngày lễ lớn tại nhiều quốc gia để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới; là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công- nông. Sau khi giành được độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1-5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta.

Ngày 29-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động. Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho lao động tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1-5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa.

Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong 30 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách Nhà nước.

Công nhân, lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức. Nghị quyết số 20/NQ-TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng ta xác định: “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Với lực lượng gần 9 triệu đoàn viên, gần 130 nghìn công đoàn cơ sở, tổ chức Công đoàn Việt Nam tập hợp ngày càng đông đảo công nhân viên chức lao động và hành động sát thực hơn, ý nghĩa hơn với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, công nhân viên chức lao động. 

Tuy nhiên, những yếu kém về hiệu quả, năng suất, kỷ luật lao động ở Việt Nam còn bộc lộ rõ. Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đánh giá, cơ cấu lao động chuyển dịch chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp còn lớn. Sản xuất kinh doanh chưa tham gia nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao còn chậm. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu.

Trong giai đoạn mới, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ, thách thức, nhất là khi Hiệp định TPP được ký kết và thực hiện. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Quan tâm, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân”. 

Năm nay, kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động gắn với kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 56 quy định người lao động được nghỉ làm việc và có hưởng lương trong ngày Quốc tế Lao động cũng là năm thứ 5 tổ chức Công đoàn cùng toàn xã hội tổ chức “Tháng Công nhân” theo Kết luận số 77/TB-TW của Ban Bí thư để chăm lo cho cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân ôn lại truyền thống, những cống hiến, đóng góp của các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức Công đoàn trong tiến trình cách mạng cũng như nhận thức rõ trách nhiệm trong giai đoạn mới.

Công đoàn CAND hỗ trợ đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế

Những năm qua, Công đoàn CAND chủ động phối hợp với lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến cán bộ, đoàn viên, người lao động như: tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời tiến hành khảo sát, đề xuất, kiến nghị những vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với đoàn viên và người lao động. Công đoàn CAND hỗ trợ đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế, tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện cho các đoàn viên với số tiến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt việc tổ chức hội nghị người lao động, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường gặp gỡ, giao lưu đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động được triển khai trong tất cả các doanh nghiệp trong CAND. Qua hội nghị người lao động các công đoàn cơ sở đã đề nghị sửa đổi, bổ sung và ký lại thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo được phát động gắn với thực hiện phong trào CAND thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy và thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị.
Nguyễn Thành
.
.
.