Gắn kết nội dung, chất lượng đào tạo nhân lực với nhu cầu của thị trường

Chủ Nhật, 17/11/2019, 07:45
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” ngày 16-11. Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam.


Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và hơn 1.500 đại biểu bao gồm đông đảo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục.

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của họ khi robot thay thế con người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức kết nối Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp.

Do đó thị trường lao động Việt Nam cũng phải thay đổi, nhất là những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như: dệt may, da giầy, cơ khí điện tử… Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển, tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp chính là nhân tố quyết định để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề.

Trong đó, sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Chính vì thế, việc đào tạo nghề, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao và chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo tiên tiến, hiện đại cho các trường; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ- TBXH Đào Ngọc Dung, hiện trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp, 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Úc, 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức và những trường này được đào tạo để cấp 2 bằng, để các học viên tốt nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế.

“Với kinh nghiệm đào tạo của CHLB Đức, sinh viên học nghề có 70% thực hành tại doanh nghiệp, 30% học lý thuyết và người học phải được thực hành nhiều để khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc, đây mô hình đào tạo nghề kép, luôn luôn tồn tại 2 trường. Đó là học lý thuyết tại trường nghề, trường học thứ hai, quan trọng hơn đó chính là tại doanh nghiệp.

Đây là yếu tố trọng tâm, xuyên xuốt trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng người lao động, là một tư duy thay đổi rất lớn, nhiều quốc gia phải mất vài chục năm theo đuổi để đạt mục tiêu này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo nghề hiện nay ở nước ta còn tồn tại nhiều bất cập chất lượng không đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, cần phải có nhiều biện pháp khắc phục.

Tại diễn đàn, sau khi lắng nghe đầy đủ các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy khi các điều kiện khác không thay đổi thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong 30 năm trở lại đây, dân số tăng cùng lực lượng lao động đã trở thành một động lực quan trọng, đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP của quốc gia. Tuy nhiên, kể từ năm 2013, quy mô lao động của Việt Nam đã bắt đầu tới hạn so với quy mô của nền kinh tế.

Vì lẽ đó, nâng cao năng suất chất lượng của lực lượng lao động có vai trò sống còn trong cải thiện tốc độ tăng trưởng và trong nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo Thủ tướng, chúng ta đã xác định được 130 nghề trọng tâm, đã có 40 trường nghề trọng điểm, chất lượng cao. Nhiều trường có chương trình tốt và đặc biệt là 3 năm gần đây thì tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu. Đây là dấu hiệu đáng mừng.

“Việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, có thể nêu ra rất nhiều tấm gương tốt về đào tạo trong doanh nghiệp, trường bên cạnh doanh nghiệp như THACO Chu Lai, Viettel, Vingroup, Vietjet… và trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, có nhiều doanh nghiệp có trường dạy nghề tốt như Samsung, có thể đào tạo đến vài trăm nghìn lao động”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, và những mặt chưa được của giáo dục nghề nghiệp. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ LĐ-TBXH thiết kế và đề xuất cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm để gắn kết nội dung, chất lượng đào tạo nhân lực kỹ năng cao với nhu cầu thị trường và nền kinh tế.

Theo đó, doanh nghiệp được tham gia xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập liên thông doanh nghiệp - nhà trường trong quá trình đào tạo học viên khi tốt nghiệp.

Đối với nhà trường, tập trung tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn, tiếp cận kỹ năng mới từ doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nâng cao chất lượng giảng dạy, trang thiết bị học tập, thực hành. Chính phủ thực hiện chính sách ưu đãi với một tinh thần cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào, doanh nghiệp nào tham gia đào tạo, sử dụng nhiều học viên từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì được hưởng ưu đãi.

Phan Hoạt
.
.
.