Gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân

Thứ Năm, 12/05/2016, 08:19
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước ngày bầu cử ĐBQH khóa 14, ngày 11-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các ứng cử viên ĐBQH thuộc Đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc với cử tri thuộc khối đoàn thể của quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 3 đã tiếp tục gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng đến Chủ tịch nước và các ứng cử viên. Cử tri Nguyễn Văn Hòa đề nghị các ứng cử viên bổ sung vào chương trình hành động nội dung giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ trẻ.

Bởi hiện nay một bộ phận không nhỏ thanh niên có lối sống hưởng thụ, thỏa mãn cá nhân hoặc vướng vào các tệ nạn xã hội, dễ bị kích động làm điều xấu, vi phạm giao thông, gây mất an ninh trật tự…

Đề cập đến giới trẻ, cử tri Võ Trọng Định cũng cho rằng hiện có một bộ phận trong giới trẻ đang có những biểu hiện quan tâm tới thông tin trái chiều. Do đó các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn tới lĩnh vực thông tin và truyền thông trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm hỏi cử tri.

Ông Hồ Quang Chín, một cử tri lão thành mong các ứng cử viên ĐBQH đi sâu sát hơn tới dân nghèo và tập trung để giúp đỡ cho đời sống công nhân còn nhiều vất vả, thiếu thốn hiện nay.

Thay mặt các ứng cử viên, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, tiếp thu và cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu, xác đáng của cử tri. Chủ tịch nước khẳng định, dù ở bất cứ cương vị nào ông cũng sẽ luôn gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tập hợp đầy đủ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để chuyển tải ý kiến này đến các cơ quan chức năng và chủ động đề xuất ý kiến, giải pháp giải quyết nhanh nhất.

Ông cũng khẳng định sẽ thường xuyên gắn bó, tiếp xúc với dân bằng các hình thức thích hợp. Đặc biệt là với các đối tượng yếu thế trong xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn, những hộ chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, công nhân, lao động ở vùng sâu, vùng xa…

Đối với việc giáo dục thế hệ trẻ, theo người đứng đầu Nhà nước, yêu cầu đặt ra là cần giáo dục truyền thống, chính trị và tư tưởng, không để thế hệ trẻ bị đầu độc bởi những thông tin độc hại tràn lan trên mạng internet.

Đức Thắng
.
.
.