Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai tốt đẹp

Chủ Nhật, 17/02/2019, 13:42
Lịch sử sẽ mãi khắc ghi thời điểm cách đây tròn 40 năm về trước, ngày 17-2-1979, hơn 600.000 quân bành trướng Trung Quốc đã tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc dài hơn 1.200km của Việt Nam.

Trước họa xâm lăng, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, đáp trả một cách đích đáng, quyết liệt, bẻ gãy các đợt tấn công của đối phương bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn… 

Cao Bằng bị tàn phá trong chiến tranh biên giới 1979. Ảnh tư liệu.

Vào thời điểm đó, tinh thần ấy lại trỗi dậy, cả đất nước hừng hực một tinh thần ra trận. Lớp lớp trai tráng thanh niên trên mọi nẻo đường Tổ quốc đã lập tức gác bút nghiên, rời nhà máy, ruộng đồng... xung phong lên đường ra trận tuyến. Nhiều câu chuyện xúc động đã được các trang báo đề cập trong những ngày qua. Đó là những câu chuyện về những thầy giáo, sinh viên đã viết tâm thư bằng máu tình nguyện lên đường nhập ngũ. 

Câu chuyện về anh Phạm Quang Thành, sinh viên năm thứ nhất khoa toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau khi nghe bản tin thời sự đã viết đơn xin nhập ngũ và lập tức bắt tàu, xe lên biên giới phía Bắc bảo vệ biên cương Tổ quốc. Được biết, Phạm Quang Thành là thương binh chống Mỹ loại 1. 

Sau khi gửi lại bức thư và lời nhắn nhủ gia đình, anh đã bắt tàu, xe sau đó đi bộ vào đồn Thâm Mô thuộc huyện Văn Lãng, phía Nam Đồng Đăng (Lạng Sơn) xin gia nhập đơn vị chiến đấu tại đây. Chỉ sau một ngày có mặt tại mặt trận, trong khi tham gia chiến đấu với tinh thần quả cảm, anh Thành đã anh dũng hy sinh ngày 22-2-1979.           

Trong cuộc chiến đấu đó có những người lính đã phải hành quân trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam chống quân Pôn Pốt xâm lấn biên giới sát hại đồng bào không kịp qua nhà từ biệt mẹ già, vợ con đã phải ngược lên biên giới phía Bắc. Đó là những người dân các dân tộc sống dọc biên giới, quanh năm chỉ quen cày cuốc, nương rẫy nhưng khi đất đai bờ cõi của cha ông bị xâm phạm, họ đã đứng lên cầm súng, tiếp đạn, tải lương chung sức đuổi quân thù. 

Trong đội ngũ điệp trùng của những đoàn quân ra trận đó có nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đã hiến dâng tuổi thanh xuân, máu xương của mình để giữ gìn từng tấc đất biên cương.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, hàng ngàn người đã nằm lại trên những rẻo đất biên cương để giữ vững độc lập, tự do cho dân tộc. Những người lính may mắn trở về giờ đây cũng sống một cuộc đời bình dị, chăm chỉ lo toan cuộc sống như bao người bình thường khác. Họ không bao giờ mảy may suy nghĩ phải đòi hỏi sự đền đáp, đãi ngộ bởi trong trái tim những người lính bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ cao cả thiêng liêng có trong mỗi con người Việt Nam. 

Trên những nghĩa trang dọc dài biên giới những ngày này, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những phụ nữ có người tóc đã hoa râm đứng lặng hàng giờ như hóa đá bên những hàng bia mộ. Đó là những người mẹ, người vợ, người con... đang tìm những người thân yêu, ruột thịt của mình. 

Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc là dịp để nhắc nhớ mỗi chúng ta về truyền thống yêu nước, anh dũng kiên cường của dân tộc, về sự mất mát, hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Những người đã đi theo tiếng gọi của non sông đất nước, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 

Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cũng là dịp để mỗi chúng ta hiểu rõ hơn, nhận thức đầy đủ hơn giá trị của cuộc sống độc lập tự do hạnh phúc ngày hôm nay. Đây cũng là dịp để chúng ta khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. 

Tri ân và tôn vinh đồng bào, chiến sĩ từng chiến đấu, hy sinh bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta, đặc biệt là của thế hệ trẻ đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi xuân, xương máu và tính mạng để bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. 

Đồng thời đây cũng là dịp để góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh. Khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc tăng cường tình đoàn kết, đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Yên Trung
.
.
.