EVFTA thúc đẩy quan hệ Việt Nam và Đức ngày càng phát triển
- EVFTA – "đòn bẩy" giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng hậu COVID-19
- EVFTA mở ra nhiều triển vọng hợp tác Việt Nam - EU
- Doanh nghiệp Việt với cơ hội từ EVFTA
Gọi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) là cột mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế, Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết, trước khi các Hiệp định này được ký kết, Đức đã là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU). Nay, có thêm các Hiệp định này, chắc chắn quan hệ thương mại Việt Nam-Đức ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Nhiều doanh nghiệp Đức lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam |
Đưa ra các con số thống kê như: Năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 10,9 tỷ USD; giá trị xuất khẩu của Đức sang Việt Nam đạt 4,8 tỷ USD và so với nửa đầu năm 2019, nửa đầu năm 2020, dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức vẫn tăng 1,6%, Đại sứ Đức một lần nữa nhấn mạnh, Việt Nam có vị thế quan trọng trong hợp tác kinh tế với Đức. "Điều này thể hiện ở việc trong những năm qua, các nhà đầu tư Đức đã đầu tư hơn 2,1 tỷ USD vào Việt Nam với một hàm lượng rất cao các công nghệ hiện đại nhất. Tổng cộng đã có 380 công ty Đức có mặt tại Việt Nam... "Ngôi nhà Đức" mới tại TP Hồ Chí Minh là một bản tuyên ngôn đầy ấn tượng cho sự hiện diện của Đức tại Việt Nam", Đại sứ Guido Hildner nói.
2020 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Đức-Việt Nam, Đại sứ Guido Hildner đã nhấn mạnh, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược là một chủ đề trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 13/9 và cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas ngày 25/9.
Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner (giữa) khẳng định quan hệ Đức-Việt Nam ngày càng phát triển. Ảnh: Thu Phương |
Đại sứ Đức tại Việt Nam cho biết thêm, trong nhiều năm quan, cả hai nước đã tăng cường và phát triển hợp tác quốc tế, nỗ lực cho một trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, cho chủ nghĩa đa phương, cho việc giữ gìn luật pháp quốc tế. Riêng trong quan hệ hợp tác phát triển song phương, Đức và Việt Nam đã có nhiều dự án hợp tác theo 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: môi trường, năng lượng và phát triển nhân lực.
Hiện nay có khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đức; 163 dự án hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường Đại học Đức và Việt Nam. Đại học Việt Đức là một dự án hải đăng tiên phong của hai nước trong việc định hình và làm sâu sắc hơn trong tương lai quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ...
Một nhịp cầu khác cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, theo Đại sứ Guido Hildner, chính là cộng đồng người Đức ở Việt Nam và cộng đồng lớn hơn nhiều của người Việt Nam ở Đức. Bằng mối quan hệ và sáng kiến của bản thân, cũng như các quan hệ đối tác hiện nay giữa các trường học và thành phố hai nước, hai cộng đồng này đang gìn giữ và thúc đẩy sự giao lưu trực tiếp rất quan trọng giữa người dân Việt Nam và Đức.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch, Đầu tư, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đức Nguyễn Chí Dũng đã trao tặng khẩu trang cho Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner. (Ảnh Hồng Hoa) |
Đặc biệt, trong năm 2020 khi cả Đức và Việt Nam đều là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Đức là Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong nửa cuối năm, Đại sứ Guido Hildner tiết lộ, Đức đang kỳ vọng sẽ thúc đẩy được hợp tác EU-ASEAN, tiến tới ký kết đối tác chiến lược. "Các nước thành viên của EU và ASEAN đều đạt được đồng thuận trong vấn đề này. Nước Đức chúng tôi hy vọng trong vai trò Chủ tịch Hội đồng EU nửa cuối năm nay, cùng sự hợp tác chặt chẽ từ phía Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, việc ký kết sẽ được tiến hành vào cuối năm", Đại sứ Guido Hildner nói.
Cuối cùng, nhắc lại hành động của Việt Nam hỗ trợ một số nước, trong đó có Đức bằng cách gửi tặng khẩu trang, Đại sứ Đức khẳng định, đây là tín hiệu khích lệ tình đoàn kết quốc tế giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và chỉ có hợp tác quốc tế thì thế giới mới cùng nhau chiến thắng được đại dịch.