Dứt khoát xử lý hình sự hành vi sử dụng súng tự chế giết người, gây thương tích

Thứ Ba, 29/10/2019, 17:21

Chiều 29-10, thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ hoàn toàn đồng tình với phương án của Chính phủ.



Tội phạm không tìm được vũ khí quân dụng nên tự chế để gây án

“Có thể thấy ở nước ta việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được tiến hành rất chặt chẽ. Hầu như các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Nhà nước sản xuất ít khi rơi vào tay tội phạm, tuy nhiên để gây án ngoài xã hội bọn tội phạm không tìm được nguồn chính thức này nên bắt đầu tàng trữ, sử dụng các loại súng tự chế”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết.

Theo ông, Công an các đơn vị, địa phương phát hiện rất nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích bằng súng tự chế như súng bắn đạn hoa cải, súng săn, súng bút, súng ổ xoáy... Đây là thực tế diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội nên hành vi này dứt khoát phải xử lý hình sự để răn đe.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phân tích, khi sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 thì Điều 230 về tàng trữ, buôn bán, sử dụng vũ khí quân dụng không có thay đổi về chính sách hình sự. Khi xây dựng BLHS năm 2015, hành vi này được quy định rõ trong Điều 304, chứng tỏ nhà nước ta vẫn quyết tâm xử lý hình sự các hành vi này.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu

Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện nay Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh vẫn có quan điểm tại sao lại sửa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ mà không sửa BLHS; một số đại biểu đề nghị sửa Điều 304 BLHS thì mới đồng bộ, còn sửa Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sẽ không đồng bộ với Điều 18,19,20 và 73 của BLHS...

Theo nhận thức của ông, sửa Điều 3 là hoàn toàn phù hợp vì hai căn cứ. Căn cứ thứ nhất, theo truyền thống luật pháp, kể cả BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 thì trong điều luật không viện dẫn thế nào là “vũ khí quân dụng” mà chỉ quy định chung. Còn khái niệm như thế nào là “vũ khí quân dụng” thì thực hiện theo luật chuyên ngành, mà luật chuyên ngành ở đây chính là Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thứ hai, trong thực tiễn hai luật này cùng ban hành vào ngày 20-6-2017, trong đó BLHS có hiệu lực ngày 1-1-2018, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực ngày 1-8-2018.

“Từ ngày 1-1 đến 1-8-2018 không có vướng mắc gì, vì thời điểm đó đang thực hiện Pháp lệnh về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tội phạm xảy ra vẫn truy tố bình thường. Nhưng sau ngày đó thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì quy định thay đổi, không còn quy định sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng bị truy tố nên mới phát sinh dồn lại 230 vụ không xử lý được hình sự”, Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh lý giải.

Ngoài ra theo ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu, trong trại tạm giam đang có rất nhiều tội phạm tàng trữ, sử dụng vũ khí tương tự vũ khí quân dụng mà sắp tới chúng ta phải thả họ ra. “Cho nên chúng tôi thấy sửa đổi luật này rất cần thiết và sửa đổi Điều 3 là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật”, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.

Coi vũ khí tự chế như vũ khí quân dụng sẽ kiểm soát tình hình tội phạm

Đồng quan điểm, ĐBQH Đào Thanh Hải (TP Hà Nội) cho biết, thời điểm năm 2012 – 2013 khi ông đang là Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thì mỗi tuần trên địa bàn Thủ đô xảy ra một vụ nổ súng, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp...

“Sau khi đấu tranh mạnh mẽ thì đã ra được Pháp lệnh 16, trong đó quy định “các vũ khí có tính năng, tác dụng như vũ khí quân dụng thì coi như vũ khí quân dụng”. Công an TP Hà Nội đã vận dụng điều này để truy tố hàng loạt đối tượng tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí tự chế, từ đó kiểm soát được tình hình tội phạm, kéo giảm số vụ việc”, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin.

ĐBQH Nguyễn Nhân Chiến

ĐBQH Võ Đình Tín (Đắk Nông) nhấn mạnh sự ủng hộ với việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong luật. Theo đại biểu, quy định về các loại vũ khí, chính sách quản lý đối với vũ khí hiện do pháp luật chuyên ngành quy định. BLHS chưa có định nghĩa hoặc quy định cụ thể về vũ khí nói chung và vũ khí quân dụng nói riêng. Qua nhiều lần sửa đổi, các nội dung liên quan đến vũ khí nói chung chưa thay đổi nên sự ra đời của dự án Luật lần này là cần thiết.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng việc sửa đổi Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không làm thay đổi chính sách quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cũng như không làm thay đổi chính sách xử lý hình sự với loại hình tội phạm này.

Nhắc lại vụ án 3 người thiệt mạng đau lòng trên địa bàn tỉnh vào năm 2006 có liên quan đến súng tự chế, đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) khẳng định tính đúng đắn của việc thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. “Nếu chúng ta không quản lý chặt và có chế tài xử lý nghiêm thì hệ luỵ kéo theo rất lớn”, ông nhấn mạnh.

Đại biểu Ngô Thanh Danh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tính toán bổ sung các quy định trong dự thảo luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi chế tạo vũ khí ngay từ bước đầu.

Đại biểu Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh) thì cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã lấp khoảng trống về cơ sở, căn cứ pháp lý; đặt ra khái niệm về vũ khí cụ thể hơn để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm...


Quỳnh Vinh - Thiện Minh
.
.
.