Dưới góc nhìn khác về trận “Điện Biên Phủ trên không”

Thứ Năm, 28/12/2017, 08:45
Đấu tranh trên mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao là anh em sinh đôi, chỉ khi thắng trên chiến trường mới có thể thắng trên bàn hội nghị, ngược lại cuộc chiến trên bàn hội nghị có tác dụng thúc đẩy, củng cố những thắng lợi trên chiến trường. 

Trong những ngày đông giá rét gần đây, trong tôi bỗng sống lại những kỷ niệm sâu đậm về 12 ngày đêm tháng 12 của 45 năm trước, khi diễn ra trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta – một trận chiến đã dúi xuống bùn đen về cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen cuộc không kích chiến lược bằng không quân của Mỹ đánh vào Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác ở miền Bắc.

Lúc ấy tôi được cử đi phục vụ Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta do đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước dẫn đầu sang Mát-xcơ-va dự kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Liên bang Xô-viết. 

Trên đường đi, Đoàn dừng chân ở Bắc Kinh và trú tại Điếu Ngư Đài, là khu biệt thự dành riêng cho các đoàn đại biểu cấp cao của nước ngoài. Đúng lúc ấy, đồng chí Lê Đức Thọ, Cố vấn của Đoàn đại biểu nước ta tại cuộc đàm phán bốn bên ở Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trên đường về nước cũng vừa tới Bắc Kinh. 

Tôi còn nhớ, đúng lúc tôi đang ở dưới sảnh thì đồng chí Lê Đức Thọ tới biệt thự. Đồng chí hỏi tôi: “Anh Năm (một bí danh của đồng chí Trường Chinh) ở phòng nào, cậu đưa tôi lên gặp anh ấy”. 

Hai đồng chí trao đổi những gì tôi đâu có biết ngoại trừ dáng đi vội vàng và nét mặt nghiêm nghị của anh Sáu Thọ (cách chúng tôi thường gọi đồng chí Lê Đức Thọ) báo hiệu những điều nghiêm trọng. Sau chúng tôi mới biết là anh Sáu Thọ đã thông báo với anh Năm tình hình đàm phán và khả năng Mỹ sẽ đánh bom Hà Nội để ép ta.

Sau cuộc gặp đó, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường và dừng chân tại Ta-sơ-ken, thủ đô của nước Cộng hòa Xô-viết U-dơ-bê-kit-xtan. Cũng chính vào thời điểm này không quân Mỹ bao gồm nhiều máy bay chiến lược B-52 đã bắt đầu giội bom xuống Hà Nội.

Các anh chị em du học sinh Việt Nam đã ra sân bay rất đông để đón đoàn. Không khí cuộc gặp xúc động rất khác thường, thể hiện cao độ lòng yêu nước, chí căm thù và quyết tâm chiến đấu của anh em trong Đoàn và anh chị em du học sinh. Không khí ấy đã lan tỏa sang cả các bạn Liên Xô ra đón.

Tại lễ kỷ niệm rất long trọng trong Cung điện Crem-li với sự tham gia của hàng trăm đoàn cấp cao các nước, các Đảng từ khắp năm châu, bốn biển mà ở đó cái tên “Việt Nam” được đặc biệt đề cao. Cả hội trường hàng nghìn người đã đứng lên nhiệt liệt hoan nghênh Trưởng đoàn ta bước lên bục phát biểu và nhiều lần vỗ tay rầm rộ hưởng ứng bài diễn văn đầy hào khí. 

Trong dịp đó, đồng chí Trường Chinh đã có cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô và đề nghị Liên Xô gửi gấp khí tài, nhất là tên lửa bổ sung cho quân dân ta. Đề nghị ấy được đáp ứng ngay và bạn đã dùng các máy bay lớn chở sang cho ta.

Đoàn đã phải cân nhắc kỹ lưỡng đường về vì không quân Mỹ vẫn tiếp tục bắn phá dữ dội. Lúc đầu chúng tôi tính bay tới Nam Ninh ở Quảng Tây, Trung Quốc rồi đi đường bộ về nước. Tuy nhiên, về tới Bắc Kinh thì nghe tin chúng đã phải tạm ngừng oanh tạc nên Đoàn quyết định về bằng máy bay cho dù sân bay Gia Lâm bị tàn phá khá nặng nề.

Máy bay chở Đoàn hạ cánh vào tối muộn trong ánh sáng lờ mờ của những ánh đèn pha yếu ớt. Bước xuống sân bay, đập vào mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn, chiếc máy bay IL-18 thứ hai (lúc đó nước ta chỉ có hai chiếc) bị cháy rụi, nhà ga đổ nát tanh bành bởi bom Mỹ. Xe ôtô chở chúng tôi vào thành phố phải lần mò trong đêm tối mịt mùng, chậm chạp lăn bánh để tránh những đường dây điện, cành cây ngổn ngang trên đường. 

Tới giữa đêm tôi mới về tới nhà chìm lặng trong bóng tối vì cả nhà đã đi sơ tán, chỉ có vợ tôi công tác tại Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao ở lại vì phải trực chiến.

Sau cuộc đọ sức ấy, phía Mỹ đã phải chấp thuận Hiệp định và chẳng bao lâu sau tôi lại được cử đi phục vụ Đoàn đại biểu nước ta do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu sang Pa-ri ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Tôi không bao giờ quên buổi đón tiếp linh đình với hàng nghìn người dân Pháp và bà con Việt kiều cùng đầy cờ hoa dành cho Đoàn ta ở sân bay Buôc-giê và Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở phố Clê-be. Cung cảnh nồng hậu đó gợi cho tôi nhớ lại hình ảnh buổi đón tiếp Bác Hồ sang thăm Pháp năm 1946.

Chính ở đây lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy những người Mỹ bằng xương bằng thịt. Trong đầu tôi luôn luẩn quẩn suy tư: nhìn bề ngoài họ cũng là những con người lịch lãm nhưng sao họ độc ác thế? Trong trường hợp này, câu phương ngôn “Trông mặt mà bắt hình dong” chẳng đúng tí nào!

Đường về nước của chúng tôi thực sự là con đường rải thảm đỏ rắc đầy hoa: ở Mát-xcơ-va và ở Bắc Kinh, Đoàn chúng tôi đã được đón tiếp rất trang trọng như những người chiến thắng trở về. Cuộc tiếp đón ở sân bay Gia Lâm và trên đường phố Hà Nội đúng là tưng bừng niềm vui chiến thắng và hòa bình lập lại, có lẽ chỉ kém dịp miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thu về một mối mùa xuân năm 1975.

Những kỷ niệm riêng tư về những ngày lịch sử 45 năm trước đây gợi mở cho tôi nhiều điều trở thành chân lý. Đấu tranh trên mặt trận quân sự và mặt trận ngoại giao là anh em sinh đôi, chỉ khi thắng trên chiến trường mới có thể thắng trên bàn hội nghị; ngược lại cuộc chiến trên bàn hội nghị có tác dụng thúc đẩy, củng cố những thắng lợi trên chiến trường. 

Thắng lợi trên cả hai mặt trận đó có được một phần là nhờ ở sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè; ngược lại xương máu của hàng triệu người con dân tộc ta không chỉ nâng cao vị thế của đất nước mình mà còn củng cố vị thế của bạn bè trên trường quốc tế. Những bài học ấy mãi mãi sẽ giữ nguyên giá trị!

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
.
.
.