Dự thảo luật Quy hoạch cần tiếp tục chỉnh sửa

Thứ Tư, 22/02/2017, 16:08
Ngày 22-2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật quy hoạch.

Đây là dự án luật mang tầm cỡ quốc gia, được Quốc hội cho ý kiến tại tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11-2016 và sắp được báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 3-2017.

Theo ông Vũ Quang Các – Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch- Bộ KH&ĐT: Dự thảo Luật Quy hoạch bao gồm 6 chương và 69 điều. Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh các loại quy hoạch và giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch.

Đối tượng áp dụng của luật là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh, thực hiện các loại quy hoạch, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Quy hoạch cũng như đánh giá cao nội dung cốt lõi của luật, song PGS, TS Trần Trọng Hanh- Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội cho rằng: Còn một số vấn đề trong dự thảo cần phải đươck làm rõ, để khi luật được thông qua có thể đạt được hiệu quả và tính khả thi cao nhất. 

Cụ thể, cần làm rõ quy hoạch ở đây là quy hoạch gì; hệ thống quy hoạch được sắp xếp lại đã khoa học chưa? Có tuân thủ Nghị quyết số 13.NQQ- TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chưa; phạm vi điều chỉnh và sự phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy quản lý nhà nước có những trở ngại gì; phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, đa chiều mà luật đưa ra có làm được không?; những lợi ích và bất cập có thể mang lại trong quá trình tổ chức thực hiện luật sau khi được Quốc hội thông qua sẽ như thế nào.

Bên cạnh còn nhiều vấn đề cần làm rõ, các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, Luật Quy hoạch nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng đến 32 luật liên quan khác. Và để sửa đổi các luật này thì cần phải mất tới 5 năm, vì vậy cần có sự cân nhắc, tham vấn các bên liên quan thật kỹ, để luật được ban hành sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội.

TS Phạm Sỹ Liêm- PCT Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết: Về cả nội dung và hình thức, dự thảo đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung đang rất cần cho việc phát triển lĩnh vực quy hoạch của nước ta, mà việc ban hành sẽ khắc phục tình trạng rối rắm, chồng chéo, chi phí tốn kém nhưng ít hiệu quả trong các hoạt động quy hoạch hiện nay.

Tuy nhiên, về cơ cấu của luật thì có một vài vấn đề chưa hợp lý, cụ thể là việc đưa các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia vào Chương trình lập quy hoạch. Xác định hệ thống quy hoạch là một mục tiêu chủ yếu của luật, vì vậy nên hình thành một Chương riêng, còn lập quy hoạch chỉ là một khâu trong quy trình quy hoạch. Ngoài ra, nên gọi hệ thống quy hoạch là hệ thống quốc gia để làm nổi bật vai trò quan trọng của nó và vai trò của Quốc hội đối với lĩnh vực quy hoạch. Cách gọi như vậy cũng là đúng với thông lệ quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến và tiếp tục tổ chức các hội thảo tham vấn ý kiến của các bên liên quan để hoàn thành dự thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Kiên cũng nhấn mạnh, nguyên tắc của xây dựng luật là từ trên xuống và vì lợi ích quốc gia lên hàng đầu, do vậy nếu quy hoạch quốc gia mà lợi ích vùng, lợi ích tỉnh bị mâu thuẫn thì phải ưu tiên cho lợi ích quốc gia.

L.Hiệp
.
.
.