Dự thảo Luật Du lịch: Có nên bỏ quy định bắt buộc khách sạn phải đăng ký hạng sao?

Thứ Sáu, 09/06/2017, 21:17
Ngày 9-6 tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức toạ đàm “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Trong đó, một nội dung còn nhiều quan điểm trái ngược là nên giữ hay bỏ quy định bắt buộc khách sạn, cơ sở lưu trú phải đăng ký hạng sao.

Ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, Luật Du lịch (Sửa đổi) sẽ được Quốc hội khoá XIV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba này có nhiều điểm mới về quản lý nhà nước đối với ngành du lịch.

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Theo đó, Dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về chính sách phát triển du lịch, tổ chức xã hội nghề nghiệp, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh du lịch, sản phẩm du lịch, quản lý Nhà nước về du lịch, phân cấp mạnh hơn cho địa phương góp phần tích cực giải quyết những bất cập hiện nay của ngành du lịch. Trong đó, về kinh doanh lữ hành, dự Luật đã có nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Tại toạ đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về các nội dung liên quan đến nội dung xếp hạng cơ sở lưu trú cho các DN tình nguyện đăng ký xếp hạng  hay bắt buộc phải đăng ký xếp hạng sau 6 tháng bắt đầu hoạt động? Trong đó, đa phần các ý kiến đều cho rằng không nên bắt buộc các DN lưu trú đăng ký xếp hạng sao. Bởi lẽ, Dự thảo Luật đã có quy định tiêu chuẩn tối thiểu để cơ sở lưu trú được đón khách du lịch.

Hãy để khách hàng kiểm định chất lượng của hệ thống khách sạn ( Ảnh minh hoạ).

Một điểm đáng chú ý, là trong 12 năm qua tuy đã được quy định trong Luật hiện hành, nhưng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vẫn chưa hình thành. Vậy nên, việc Dự thảo Luật lần này làm rõ nội dung hoạt động chính của Quỹ là xúc tiến du lịch là hết sức cần thiết. Tiếc là vẫn chưa có quy định rõ ràng về nguồn thu của Quỹ. Xu thế các nước đều quy định nguồn thu của Quỹ này là từ ngân sách và từ thu của khách du lịch, giúp cho việc thực thi thuận lợi hơn. 

Cùng với đó, các đại biểu cũng bàn luận về các nội dung liên quan đến Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; Quy định cả 3 loại hình lữ hành: Nội địa, inbound, outbound đều phải có giấy phép; Điều kiện cấp Giấy phép là bỏ yêu cầu mọi DN phải có 3 hướng dẫn viên, thay Giấy xác nhận kinh nghiệm công tác của người phụ trách lữ hành bằng giấy Chứng nhận nghiệp vụ lữ hành. Điều kiện hành nghề đối với Hướng dẫn viên quốc tế và nội địa phải như thế nào mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn. Dự thảo Luật Du lịch lần này đã bỏ quy định về lập Văn phòng Xúc tiến du lịch ở nước ngoài; Tăng vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp (kể cả thành lập văn phòng xúc tiến ở nước ngoài).

Lưu Hiệp
.
.
.