Dự kiến ngày 23-10, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước
Chiều 16-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
- Cử tri ủng hộ Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để bầu Chủ tịch nước1
- Trung ương giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước2
- Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước
- Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc hợp ý Đảng, lòng dân
Theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV sẽ bổ sung các nội dung: Bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
“Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, chương trình công tác của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến điều chỉnh thứ tự, thời điểm xem xét một số nội dung cho phù hợp, trong đó Quốc hội bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Theo dự kiến chương trình, chiều 22-10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt UBTVQH trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau khi thảo luận tại Đoàn, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước vào ngày 23-10.
Cũng trong thời gian này, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với ông Trương Minh Tuấn và phê chuẩn bổ nhiệm người giữ chức Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo chương trình dự kiến, chưa bổ sung Báo cáo việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội do thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết ngắn (3 tháng), nên chưa có nhiều thông tin để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Từ kỳ họp tháng 10-2019 sẽ yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung này.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung các báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên-Ngọc Hồi) giai đoạn 1; đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Toàn cảnh phiên họp |
Về dự án Luật Hành chính công, tại phiên họp trù bị, sẽ báo cáo Quốc hội về việc không tiếp tục xây dựng dự án Luật này, đồng thời sẽ gửi tài liệu của dự án Luật (nếu có, do Ban soạn thảo đề nghị) đến đại biểu Quốc hội để làm tài liệu nghiên cứu.
Về xem xét các báo cáo việc thực hiện các nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và tiến hành chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị nghiên cứu có cách thức tiến hành cho phù hợp, đạt hiệu quả cao, đồng thời tạo điều kiện để nhiều đại biểu tham gia thảo luận và chất vấn (mỗi đại biểu Quốc hội chỉ nên thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút; người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của 1 đại biểu, việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, súc tích, bao quát các vấn đề…).
Kỳ họp thứ 6 cũng sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan trước ngày 13-11. Thảo luận tại hội trường dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vào sáng ngày 25-11.