Dự án PPP phải có vốn đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng

Thứ Hai, 11/11/2019, 10:15
Dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Chính phủ soạn thảo quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP cũng như những nội dung về cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với doanh nghiệp.


Dự án PPP phải có vốn đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng

Sáng 11-11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp 8, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội.

Tờ trình do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày khẳng định dự thảo luật được xây dựng nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng.

Trong dự thảo luật, Chính phủ cho rằng tính chất hợp đồng PPP là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư một dự án PPP khá cao, đồng thời muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn. 

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét hai phương án, trong đó phương án một quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng Kinh doanh – Quản lý.

Phương án hai, Chính phủ đề xuất không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đáng chú ý, tờ trình của Chính phủ cho rằng, Nhà nước muốn kêu gọi nguồn lực tài chính, tận dụng được trí thức, năng lực quản lý từ các thành phần kinh tế để bù đắp thiếu hụt về ngân sách thì Nhà nước cũng cần có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc bảo đảm tính khả thi của dự án.

Theo đó, dự thảo Luật thiết kế "cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu", cụ thể, quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.

Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trong khuôn khổ hợp đồng như nêu trên nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án (làm ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dịch vụ công cho người dân), Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro như sau: Một là, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Hai là, Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Việc cấp bảo lãnh có thể khiến nhà đầu tư ỷ lại

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhận thấy, phần lớn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có cơ chế bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Tuy nhiên, việc cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án này sẽ được điều chỉnh bởi quy định của Luật Quản lý nợ công và có thể tạo tâm lý trông chờ từ phía các nhà đầu tư. Do đó, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa hai bên (công và tư) trong thực hiện dự án PPP là giải pháp có thể xem xét áp dụng nhằm hài hòa lợi ích của các bên, cũng như nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong thực hiện dự án PPP với vai trò là các đối tác trong hợp đồng PPP.

"Để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, bảo đảm tính công khai, minh bạch của dự án Luật, đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro này, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu ngay tại dự thảo Luật", ông Thanh nêu.

Cũng theo báo cáo của ông Vũ Hồng Thanh, ngoài những nội dung nêu trên, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định khác tại dự thảo Luật, tránh tình trạng quy định chung chung như "theo quy định của pháp luật", "các nội dung cần thiết khác"... gây khó khăn trong thực tế triển khai.

Thiện Nhân - Phương Thuỷ
.
.
.