Đồng chí Đỗ Mười với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tưởng nhớ đồng chí Đỗ Mười, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết “Đồng chí Đỗ Mười với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” của nhà báo Thu Thành trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012).
Chiều muộn ngày 3/10/2000, tôi đi làm về, thấy mảnh giấy của con trai đặt lên bàn làm việc, ghi: Có bác tên là Kính điện thoại nhắn đầu giờ sáng mai 4/10, có mặt tại cổng Bộ Nông nghiệp ở dốc Ngọc Hà để gặp đồng chí Đỗ Mười.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm nhà máy xi măng Hải Phòng, ngày 25/3/1991. Ảnh: TTXVN |
Hơn 8 giờ, cố vấn Đỗ Mười đứng dậy hỏi: "Nhà báo Thu Thành có mặt chưa?". Tôi đứng dậy thưa: "Em đây!".
Thế là liền một mạch cố vấn say sưa giới thiệu về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp trong đó dành khá nhiều thời gian đọc những đoạn viết trong bài báo của tôi nhan đề "Về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - thực trạng, kiến nghị và giải pháp" đăng trên trang nhất báo Nhân dân, ngày 30/9/2000. Chính nhờ bài báo này mà đồng chí cố vấn biết và triệu tập tôi đến cuộc họp. Thật sung sướng, cảm động và kính phục: Một đồng chí nguyên Tổng Bí thư, là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng tâm huyết với công việc cổ phần hóa đọc kỹ từng bài báo đến thế!
Tôi không bao giờ quên hình ảnh đồng chí Đỗ Mười tuổi ngoài tám mươi, dò từng bước trên các cây cầu khỉ để đến với bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long; giữa đời đông rét buốt, đứng trên những cánh đồng mía bạt ngàn ở miền tây tỉnh Thanh Hóa để nghiên cứu mô hình Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn; mùa hè nóng bức, nhễ nhại mồ hôi vào từng phân xưởng thăm hỏi đời số của của từng người lao động sau cổ phần hóa, v.v..
Trong nhiều buổi làm việc với các tỉnh ủy, thành ủy: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng; Nam Định, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hậu Giang (cũ), Bạc Liêu, Tây Ninh,...; với các bộ: Xây dựng, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp,...; với các ban: Đổi mới quản lý doanh nghiệp của Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, … chúng tôi nhận thấy đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm đến các vấn đề về xác định giá trị doanh nghiệp, tỷ lệ vốn nhà nước, quyền làm chủ của người lao động, vai trò lãnh đạo của Đảng trong các công ty cổ phần.
Về định giá tài sản doanh nghiệp nhà nước, theo đồng chí, phải tính đúng, tính đủ. Đây là nguồn của cải vô cùng quý giá do nhiều thế hệ người Việt Nam đổ xương máu, mồ hôi tạo dựng nên. Không nên định giá theo kiểu khép kín, bỏ qua hoặc xem nhẹ giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế địa lý, thương hiệu sản phẩm. Thật là bất hợp lý khi các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở thương mại, nhà hàng, khách sạn có tên tuổi một thời, nằm giữa trung tâm đô thị sầm uất mà chỉ có giá trị vài tỷ đồng. Không thể chấp nhận có không ít doanh nghiệp nhà nước vừa tiến hành cổ phần hóa xong, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán đã có giá cao gấp 5 - 7 lần giá trị ban đầu. Cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đưa những yếu tố nói trên vào giá trị doanh nghiệp và thực hiện bán đấu giá khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời điểm năm 1999 - 2000 quy định: Tỷ lệ vốn nhà nước trong các công ty cổ phần phải đạt mức bình quân 30% vốn điều lệ, nhưng trên thực tế con số này đạt thấp hơn nhiều và có nguy cơ ngày càng giảm sút. Đồng chí Đỗ Mười rất trăn trở, bức xúc trước thực trạng này. Trong nhiều buổi làm việc với các cấp, các ngành, đồng chí nhấn mạnh vai trò của sở hữu vốn nhà nước trong các công ty cổ phần, nhất là trong các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả cao, đóng góp nhiều vào ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu, quan trọng phục vụ dân sinh an ninh, quốc phòng; các doanh nghiệp có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội của các địa bàn dân cư, v.v.. Ở những doanh nghiệp này nhất thiết Nhà nước phải chiếm tỷ lệ vốn lớn hoặc là cổ đông đặc biệt. Có doanh nghiệp Nhà nước nắm 100% vốn, có doanh nghiệp nắm trên 50%, có doanh nghiệp nắm dưới 50% vốn. Chỉ có làm như vậy thành phần kinh tế quốc doanh mới giữ được vai trò chủ đạo, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Đỗ Mười đặc biệt quan tâm đến quyền làm chủ, đời sống, việc làm của người lao động trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Qua khảo sát hàng trăm doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa, đồng chí thấy số đông công nhân, viên chức được mua cổ phần ưu đãi nhưng không đủ tiền mua hoặc chỉ mua một phần. Một số mua hết tiêu chuẩn nhưng sau đó do hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại bán đi. Một số không ít người lao động bán cổ phần theo kiểu "bán lúa non". Những công nhân, viên chức mới tuyển vào công ty thì không được mua vì cổ phần bán theo tiêu chuẩn số năm làm việc tại doanh nghiệp. Trong khi đó, một số ít người nhiều tiền ra sức mua gom cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn, nắm quyền điều hành doanh nghiệp, dần dần biến doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp của số ít người nhiều tiền. Đại đa số người lao động do không sở hữu cổ phiếu trở thành người làm thuê, triệt tiêu quyền làm chủ thực sự của người lao động - động lực phát triển công ty cổ phần. Để bảo vệ quyền làm chủ của người lao động, đồng chí Đỗ Mười nêu ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp rất khả quan hợp tình hợp lý là trích một phần lợi nhuận doanh nghiệp (lúc đó gọi là vốn tự có) mua hết cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Số cổ phiếu này giao cho Công đoàn của doanh nghiệp giữ, không được bán, người lao động hằng năm chỉ được nhận cổ tức.
Việc dành một phần lợi nhuận chia cho người lao động đã được Bác Hồ nói đến trong một sắc lệnh được ban hành ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Hoặc là dùng quỹ phúc lợi, bán chịu cổ phiếu cho người lao động, kèm theo đó là những quy định rằng buộc người lao động không được bán cổ phiếu, v v…
Khi làm việc với các đồng chí trong đảng ủy, chi ủy tại các doanh nghiệp cổ phần hóa về vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở tất cả đều chung câu trả lời: Nhiều đồng chí lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng ở doanh nghiệp không có tiền mua hết số cổ phiếu ưu đãi, hoặc cố gắng thu xếp, vay mượn người thân cũng chỉ mua được một số lượng cổ phiếu khiêm tốn, không thấm tháp gì so với vốn điều lệ doanh nghiệp. Trong khi đó điều lệ các công ty cổ phần lại quy định, người tham gia Hội đồng điều lệ phải có cơ số cổ phiếu tối thiểu từ 1 - 4% vốn điều lệ, có nơi quy định đến 10%. Với quy định này, đương nhiên đảng ủy viên, đảng viên nghèo, khó có thể tham gia Hội đồng quản trị mà mọi quyền quyết định sự hoạt động của doanh nghiệp lại đều nằm trong tay các thành viên Hội đồng quản trị và đại hội cổ đông (biểu quyết theo vốn góp). Đồng chí Đỗ Mười nói vấn đề này phải báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban chức năng của Đảng để tìm ra các giải pháp tháo gỡ. Ý kiến riêng của đồng chí là vai trò lãnh đao của Đảng, quyền làm chủ của người lao động chỉ có thể được thực hiện khi phần vốn nhà nước trong các công ty cổ phần chiếm tỷ lệ chi phối, hoặc người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cổ đông đặc biệt. Cổ phần của người lao động không được bán, do doanh nghiệp trích từ lợi nhuận, quỹ phúc lợi mua được coi như sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp quản lý.
Gần 8 năm theo đồng chí Đỗ Mười, những ý kiến, tư tưởng chỉ đạo của đồng chí về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã ngấm vào khối óc, trái tim tôi. Nó tạo nên những tác phẩm báo chí mang sức sống mãnh liệt từ cuộc sống và góp phần bổ sung đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Bốn năm liền tôi đoạt giải báo chí quốc gia, một giải Nhất và ba giải Nhì. Xin cảm ơn đồng chí và mãi mãi ghi nhớ những kỷ niệm đã qua – những năm đầu của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta.