Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng

Thứ Sáu, 15/03/2013, 14:00
Đó là khẳng định của TS Lò Giàng Páo - Phó Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên (PV) Báo Công an nhân dân sáng 13/3, liên quan đến đợt lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992.

PV: Ông có thể cho biết qua nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, điều gì làm ông cảm thấy tâm đắc nhất?

TS Lò Giàng Páo: Hiến pháp nước ta đã được sửa đổi nhiều lần qua các thời kỳ cách mạng dựng nước và giữ nước. Mỗi thời kỳ đều có những điều khoản và tôn chỉ mục đích phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Tuy nhiên qua nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tôi thấy tâm đắc nhất là chúng ta đã thực sự cởi mở, hết sức cầu thị tin tưởng ở quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân một cách rộng rãi không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc mà trước đây chúng ta chưa làm được.

Tôi thấy nhân dân cũng rất phấn khởi và hào hứng, cởi mở góp ý một cách thoải mái, mang tính xây dựng, thiết thực từ cái chung đến cái riêng của đất nước và của các vùng, miền, từ vùng đồng bằng đến vùng miền núi, biên giới và vùng hải đảo xa xôi. Điều tôi tâm đắc nữa là Dự thảo Hiến pháp năm 1992 có thêm 12 điều mới liên quan đến các vấn đề quyền lực, đất đai, môi trường trong đó có vấn đề dân tộc được quyền xác định thành phần dân tộc. Đây là nhiệm vụ mà hiện nay Chính phủ đang giao cho Ủy ban Dân tộc thực hiện.

PV: Về vai trò lãnh đạo của Đảng được ghi trong Điều 4 Dự thảo Hiến pháp với đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn. Quá trình tìm hiểu thực tế, ông thấy đồng bào các dân tộc có suy nghĩ gì về nội dung này?

TS Lò Giàng Páo: Đảng ta được thành lập từ năm 1930, suốt chặng đường lãnh đạo dân tộc để giành lại độc lập tự do cho nhân dân, thoát khỏi ách nô lệ của đế quốc, phong kiến, từng bước đưa nước ta phát triển và có vị thế trên trường quốc tế như ngày nay là một sự trưởng thành vượt bậc. Đó là điều hiển nhiên không ai có thể phủ nhận được. Kể từ năm 1946 đến năm 1992, đất nước ta đã có 4 bản Hiến pháp (Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992). Một đặc điểm rất lớn của lịch sử lập hiến của nước ta là suốt thời gian lập hiến đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình lãnh đạo, tôi muốn nói một bộ phận cán bộ lãnh đạo là đảng viên do nhận thức không đầy đủ về vị trí vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển của đất nước, không bảo vệ uy tín của Đảng, không kiềm chế được sự cám dỗ của cơ chế thị trường đã làm băng hoại nền tảng đạo đức cách mạng làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và mất niềm tin đối với nhân dân. Đây là điều vô cùng nguy hại cho đất nước, cần được chấn chỉnh ngay như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã đề ra.

Qua tìm hiểu thực tế, tôi thấy đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng và ủng hộ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước vì những vùng đồng bào sinh sống đều là những nơi Đảng chọn làm căn cứ cách mạng là những vùng phên dậu của đất nước. Họ là những người dân đã từng che chở cho Đảng tồn tại để hoạt động cách mạng là chỗ dựa của Đảng trong các cuộc kháng chiến cứu quốc. Tin tưởng và ủng hộ vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng bào luôn muốn Đảng phát huy những gì Đảng đã nói và Đảng làm vì sự phát triển chung của đất nước, trong đó có sự phát triển đồng bộ về mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số.

PV: Theo ông dự thảo Hiến pháp cần bổ sung những vấn đề gì để định hướng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số?

TS Lò Giàng Páo: Theo tôi, trong Hiến pháp đã có rất nhiều điều phải bàn, song chúng ta phải nhớ rằng ở đây có cả cái chung và cái riêng với thực thể một đất nước đa dân tộc sống ở các vùng miền khác nhau, xuất phát điểm của mỗi tộc người cũng không giống nhau. Vấn đề là sự nhận thức một cách thấu đáo về các dân tộc, về kinh tế - xã hội, văn hóa, phong tục tập quán và đặc điểm tộc người. Trước tiên mọi người phải nhận thức vùng đất sinh sống của đồng bào các dân tộc là lãnh thổ của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các dân tộc ở những vùng này là những công dân Việt Nam, nên phải đầu tư phát triển đồng bộ, toàn diện hơn nữa cho những vùng này là thuộc trách nhiệm của Nhà nước và của toàn dân. Trong Hiến pháp cũng cần khẳng định rõ vai trò trách nhiệm của Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế -  xã hội đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần với các chính sách phù hợp để phát triển bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Vùng đồng bào các dân tộc ngoài vấn đề đời sống còn liên quan đến chính trị, an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia với từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Xuân Luận (thực hiện)
.
.
.