Đơn giản hoá thủ tục, tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam

Thứ Sáu, 13/09/2019, 11:24

Đó là mục đích của việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, được nêu rõ tại Tờ trình của Chính phủ do Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày, sáng nay, 13-9.


Phiên họp Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật do Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt chủ trì.

Lượng người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử tăng 95%

Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật số 47) xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo đó, tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và đã được Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian thí điểm. Thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử, khắc phục những khó khăn, tồn tại qua 2 năm thí điểm, đồng thời, mở rộng danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.

Thứ trưởng Lương Tam Quang đọc tờ trình tại phiên họp

Hiện nay 80 nước có công dân được áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử và 33 cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử vào Việt Nam theo 8 cửa khẩu đường không, 16 cửa khẩu đường bộ, 9 cửa khẩu đường biển (bổ sung 34 nước và 5 cửa khẩu). Trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử tăng tăng 95% so với cùng kỳ năm 2018.

Qua thực hiện, chính sách thí điểm cấp thị thực điện tử đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của Đảng và Nhà nước. Về kinh tế - xã hội đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy phát triển của ngành du lịch. Về đối ngoại, góp phần tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập, an ninh, quốc phòng được đảm bảo...

Khắc phục tình trạng người nước ngoài lợi dụng thị thực ở lại lâu dài

Thứ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, việc sửa đổi luật xuất phát từ yêu cầu kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh và bảo đảm sự đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan. Qua tổng kết, Chính phủ thấy rằng Luật số 47 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất nhập cảnh; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp. Chẳng hạn Luật số 47 quy định người nước ngoài vào đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được miễn thị thực 30 ngày, song quy định trên chưa được áp dụng do chưa có đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong khi đó, từ năm 2013, người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc được miễn thị thực với thời gian tạm trú 30 ngày (như đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn cảnh phiên họp

“Luật số 47 quy định người nước ngoài có giấy chứng nhận đầu tư, góp vốn cho doanh nghiệp đều được cấp thị thực, thẻ tạm trú (ĐT) có thời hạn 5 năm. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp lợi dụng để hợp thức cho người nước ngoài ở lại lâu dài tại Việt Nam (góp số vốn nhỏ, thậm chí chỉ 10 triệu đồng), Thứ trưởng nói.

Thêm vào đó, Việt Nam mới ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA). Theo Hiệp định, người nước ngoài vào thành lập hiện diện thương mại và chào bán dịch vụ (không có cơ quan, tổ chức tại Việt Nam mời, bảo lãnh) được cấp thị thực đến 12 tháng. Trong khi đó, Luật số 47 quy định người nước ngoài xin cấp thị thực nhập cảnh Việt Nam phải có cơ quan, tổ chức bảo lãnh. Do đó, không thể áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế để cấp thị thực cho các trường hợp này.

Giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế

Theo Thứ trưởng Lương Tam Quang, trong những năm gần đây, khách du lịch tàu biển vào Việt Nam ngày càng tăng, số lượng lớn (mỗi đoàn thường trên 1.500 người). Trong lĩnh vực quốc phòng, hải quân Việt Nam tăng cường hợp tác với hải quân các nước, nhiều tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động giao lưu, tọa đàm... Do đó, cần bổ sung quy định về việc cấp thị thực theo danh sách cho các trường hợp này.

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh trình bày báo cáo thẩm tra

Trên thực tế, có nhiều người nước ngoài được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc sau đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép lao động. Nếu yêu cầu số khách này xuất cảnh để làm lại thủ tục cấp thị thực (do thị thực không được chuyển đổi mục đích) sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và chưa thực sự tạo điều kiện đối với người nước ngoài trong trường hợp chính đáng. Do đó, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 47 là cần thiết.

Mục đích xây dựng luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các quy định để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tiếp tục đơn giản hoá thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài vào Việt Nam. Dự thảo Luật gồm 2 điều: Điều 1 gồm 20 khoản (sửa đổi 18 Điều, bổ sung 3 Điều). Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành.

Trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Trình bày Báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh cho hay, Thường trực Uỷ ban tán thành với sự cần thiết ban hành luật để nhằm thể chế hoá chủ trương đối ngoại của Đảng; bảo đảm phù hợp với các Hiệp định thương mại đã được ký kết, gia nhập trong thời gian qua, cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế của đất nước.

Về thời điểm trình, thông qua dự án luật, loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề nghị của Chính phủ là bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) theo quy trình một kỳ họp, có hiệu lực từ 1-7-2020. Loại ý kiến thứ hai đề nghị đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Các đại biểu thảo luận tại phiên họp

Thường trực UBQPAN thấy rằng, Luật số 47 có nhiều nội dung tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại, hợp tác kinh tế của Việt Nam với các quốc gia nên cần sửa đổi để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 nên việc trình Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 47 tại Kỳ họp thứ 8 sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ về quy định pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, Thường trực UBQPAN cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên có ý kiến băn khoăn về vấn đề thời gian trình, phạm vi sửa đổi... Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt đề nghị các tiểu ban hoàn thiện hồ sơ; Ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra để rà soát, xem xét, tiếp thu các ý kiến của Thường trực UBQPAN và các ý kiến tại phiên họp để chỉnh sửa cho phù hợp. “Tinh thần là chúng ta hạ quyết tâm làm tốt dự án luật này để trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào tuần tới, trước khi trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8”, ông nói.

Phát biểu giải trình thêm, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho rằng, quá trình xây dựng luật mặc dù thời gian gấp nhưng Ban soạn thảo đã phân công những đồng chí có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhâp cảnh, trong quá trình xây dựng dự án luật cũng đã gửi xin ý kiến các bộ ngành; đồng thời cố gắng hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Thứ trưởng Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn ý kiến của Thường trực UBQPAN và các cơ quan hữu quan đã góp ý để hoàn thiện dự án luật, khẳng định Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ, đồng hành cùng UBQPAN và phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật đảm bảo tiến độ, đạt yêu cầu tốt nhất...


Quỳnh Vinh
.
.
.