Đội ngũ trí thức khoa học phải sáng tạo, tiên phong trong phát triển đất nước

Thứ Tư, 15/05/2019, 09:30
Ngày 14-5, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi “Gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu 2019”.

Dự và chủ trì buổi gặp mặt có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Hơn 100 trí thức là các nhà khoa học đã đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước, quốc tế, giải thưởng Hồ Chí Minh, Kovalevskaia, nhà giáo có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của khoa học và công nghệ tham dự sự kiện này.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, đây là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao đổi với các trí thức, nhà khoa học tiêu biểu về nhiệm vụ của ngành khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trong thời gian tới.

Và không chỉ thể hiện sự quan tâm, tôn vinh sự đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam, đây còn là cơ hội để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tiếp thu các ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, luôn quan tâm đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, khoa học công nghệ.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển đội ngũ khoa học, công nghệ được Nhà nước ban hành, thực thi mang lại hiệu quả tốt, góp phần thu hút, bố trí sử dụng trí thức, trong đó có các trí thức người Việt ở nước ngoài.

"Tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, sự phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu còn những hạn chế, chưa được phát huy đầy đủ. Việc huy động tiềm năng của trí thức vào sự nghiệp phát triển đất nước vẫn còn thấp so với yêu cầu", đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, toàn Đảng, toàn dân luôn trân trọng và kỳ vọng vào đội ngũ trí thức, rất mong muốn đội ngũ trí thức và các nhà khoa học tiếp tục không ngừng phấn đấu, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, phát huy vai trò năng động, sáng tạo vươn lên trở thành nhân tố nòng cốt, tiên phong trong xây dựng và phát triển đất nước.

Đảng và Nhà nước sẽ thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp tâm huyết của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học để đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo.

Phát biểu trong buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ tri ân tới những đóng góp của các trí thức, các nhà khoa học đối với sự phát triển của đất nước, chia sẻ những khó khăn với các nhà khoa học.

Theo Phó Thủ tướng, dù trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước đều khẳng định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu trên tinh thần cầu thị, nhưng thực tế nhiều nơi chưa thực hiện như chỉ thị, nhiều chính sách chưa được thực hiện như mong muốn. Ở giai đoạn thế giới phát triển như vũ bão hiện nay, nếu không coi khoa học công nghệ là quốc sách, chìa khóa có tính chất quyết định thì chắc chắn thất bại.

Vì vậy "đột phá" là cụm từ cần được chú trọng đối với khoa học và công nghệ trong thời gian tới. Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu và đưa vào các văn kiện với tinh thần quyết liệt, nói đi đôi với làm để khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, không để những mục tiêu ngắn hạn lấn át mục tiêu dài hạn.

"Cơ chế chính sách làm sao phát huy sức mạnh được cả hệ thống, khơi dậy sự sáng tạo của mọi cá nhân trong xã hội, đặc biệt là các nhà trí thức", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, con số đầu tư cho nghiên cứu khoa học hiện vẫn còn quá thấp, chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà khoa học.

Nhiều công trình, đề tài, dự án các nhà khoa học vẫn phải vất vả, mất nhiều thời gian trong thanh, quyết toán. "Trong khoa học là phải chấp nhận tính rủi ro, không thể quản khoa học như các lĩnh vực khác, phải tin nhà khoa học", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng các chính sách đãi ngộ để phát triển các ngành nghiên cứu khoa học. Đây là một trong những điểm bất cập cần phải thay đổi trong cơ chế chính sách thời gian tới.

Phan Hoạt
.
.
.