Hội nghị Trung ương 6, khóa XII:

Đổi mới, nâng cao hiệu quả bộ máy hệ thống chính trị

Thứ Ba, 10/10/2017, 07:44
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chính sách, cơ chế về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và chỉ đạo thực hiện.

Nhờ đó, tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Tình hình tổ chức bộ máy; năng lực, hiệu quả của hệ thống chính trị

Đánh giá nghiêm túc, khách quan của Đề án và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) cho thấy, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; đổi mới, sắp xếp chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kết quả còn thấp; tỷ lệ người phục vụ ở khối văn phòng cao; số lãnh đạo cấp phó còn nhiều.

Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước lớn, nhất là biên chế sự nghiệp và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố, làm cho chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi ngân sách nhà nước. Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa phân cấp mạnh mẽ, còn có biểu hiện bao biện, làm thay hoặc can thiệp sâu vào thị trường, xã hội. Sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa thể hiện được tính đặc thù, đặc điểm riêng của mỗi địa phương, chưa phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo. Số lượng, chất lượng đại biểu dân cử còn một số bất cập. Cải cách hành chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả; tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế.

Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích sắp xếp bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế. Việc phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương quyết định số lượng biên chế sự nghiệp và phân bổ kinh phí thường xuyên theo số lượng làm biên chế tăng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế thiếu đồng bộ; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; một số cấp ủy, chính quyền ở các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt.

2. Quan điểm, mục tiêu:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ và các văn kiện của Đảng; đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là đầu mối bên trong gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút người có đức, có tài. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người bị tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp.

Quyết tâm chính trị phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt hiệu quả; đồng thời phải kiên trì, bền bỉ, có lộ trình phù hợp; những việc đã rõ, cần thực hiện và có thể thực hiện được thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa có tiền lệ và chưa được quy định nhưng thực tiễn đòi hỏi, thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội.

Giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời biểu dương, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh.

Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.

Mục tiêu tổng quát là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và cải cách chế độ tiền lương.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

Thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Quy định chặt chẽ về biên chế, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp để cơ bản không bổ nhiệm cấp “hàm”; xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, giảm tỷ lệ người phục vụ. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị.

Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức trong hệ thống chính trị để tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Từng bước thực hiện cải cách chế độ tiền lương.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương, gắn quyền hạn với trách nhiệm; đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng, chống tham nhũng bằng các quy chế, quy định bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, đề cao trách nhiệm giải trình.

Trong những năm sắp tới, ý kiến thảo luận tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) là cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau đây: Đối với hệ thống tổ chức của Đảng, Trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy cấp tỉnh, cấp ủy cấp huyện; ban hành quy định khung quy chế làm việc của cấp ủy; các cấp ủy căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể để xây dựng quy chế làm việc của cấp mình và hướng dẫn cấp ủy cấp dưới trực tiếp.

Quy định cơ cấu phù hợp, giảm số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp để tạo động lực phấn đấu và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Điều chỉnh, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy và tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào một số nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, xác định mô hình phù hợp, hiệu quả trong điều kiện mới. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; khắc phục tình trạng “trắng” chi bộ và trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố không phải là đảng viên.

Chính phủ, các bộ ngành, ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân; tạo sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; giữa nhà nước với tổ chức, cá nhân thông qua việc thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông với các mô hình tiên tiến, phù hợp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; bảo đảm quy định chung và tính đặc thù của từng lực lượng.

Trung ương quy định tổng số cấp phó của các cơ quan trực thuộc hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; địa phương quy định cụ thể số cấp phó của cấp mình cho từng tổ chức phù hợp. Thực hiện thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có điều kiện. Thí điểm hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp huyện ở những nơi có điều kiện.

Với cách nhìn, cách lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, chúng ta có đủ niềm tin rằng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sẽ được đổi mới căn bản, mạnh mẽ; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đóng góp to lớn, quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PV (Theo VOV)
.
.
.