Đòi bỏ điều luật, thủ đoạn không thể chấp nhận

Thứ Hai, 17/03/2014, 08:52
Hiện, không ít kẻ đang cố ngụy biện, lợi dụng tự do ngôn luận, đòi gỡ bỏ điều luật 258 - BLHS, tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Trước khi nói về điều luật, hãy soi chiếu luật pháp các nước tiên tiến xem họ quy định ra làm sao. Mới đây, một quan chức Nhà Trắng ở Mỹ bị sa thải vì đã lăng mạ chính phủ trên trang tweeter. Trang Daily Beast đưa tin, Jofi Joseph, 40 tuổi và làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã bị sa thải khi bị xác định là người đã gửi những tin nhắn mang nội dung lăng mạ chính phủ dưới cái tên mạo danh “@NatSecWonk”... Người Mỹ - nơi mà nhiều người viện dẫn để minh chứng cho cái gọi là tự do báo chí, tự do ngôn luận thì họ cũng phân định rõ ràng giữa tự do và luật pháp. Chạm vào vạch luật không cho phép, ấy là phạm pháp. Chính quyền Mỹ sẵn sàng trừng phạt nếu báo chí hay việc cá nhân đưa các thông tin lên mạng internet vi phạm vào các lĩnh vực bị cấm, trong đó quy đinh nghiêm ngặt với: Đăng bài viết có phương hại đến nền an ninh quốc gia (như vụ án Near v State of Minnesota ex rel. Olson (1931) và vụ án United States v OBrien (1968).

Kế đó, xử  nặng báo chí, mạng internet đăng bài viết gián tiếp xúi giục bạo động gây bất ổn xã hội (vụ án Brandenburg  Ohio (1969) và vụ án Virginia Black (2003)...

Xem như thế thì nơi được một số coi “thiên đường tự do” cũng đều có khuôn phép rất rõ và chẳng những vậy, việc xử lý trên thực tế rất nghiêm ngặt. Trở lại với điều luật 258 quy định tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” đặt trong mối tương thích với văn bản luật pháp quốc tế. Tự do ngôn luận, hoặc tự do phát biểu, bao gồm quyền phát biểu và phổ biến ý kiến của mỗi công dân, là một trong những nhân quyền cơ bản được qui định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Tự do ngôn luận hiểu một cách thông thường là việc một người có quyền phát biểu và giữ ý kiến, quan điểm của mình trước người khác. Tuy nhiên, tự do ngôn luận hiển nhiên phải tuân thủ giới hạn. Tại điều 29, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 quy định: “Trong việc hành xử nhân quyền và thụ hưởng tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”. Đồng thời, quyền tự do dân chủ của người này phải đảm bảo rằng không xâm phạm đến lợi ích người khác. Ðiều 12, Tuyên ngôn nêu: “Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, hay thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ, trước những xâm phạm và xúc phạm như vậy”. Từ quy định nói trên của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền cũng như các văn bản pháp lý quốc tế khác, tự do ngôn luận gắn với nguyên tắc quyền phát biểu nhưng không vi phạm quyền của người khác. Tại nhiều quốc gia, những người đưa thông tin sai lạc có thể sẽ bị kiện, xử lý hành chính hay khởi tố, nếu dùng từ ngữ tục tĩu hay mang tính phân biệt trên truyền thông đều bị hạn chế với các văn bản điều chỉnh.

Điều 258 quy định hành vi khách quan là lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm pháp luật được quy định là tội phạm trong BLHS, chúng ta áp dụng luật tuân theo nguyên tắc hành vi, không có việc truy cứu hình sự về mặt tư tưởng mặc dù trong tư tưởng cũng đã hình thành ý định thực hiện những hành vi phạm tội. Điều 258 BLHS được áp dụng trong thực tiễn bảo vệ, điều chỉnh các quan hệ xã hội. Khách thể của tội phạm này là lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, trong đó khách thể lợi ích Nhà nước là cao nhất. Như vậy, điều luật 258 trong BLHS là tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người và việc quy định điều luật này là bảo vệ quyền con người nhằm tránh sự xâm phạm, đảm bảo các quyền tự do dân chủ của cá nhân được bảo vệ, trong đó khách thể cao nhất là an ninh quốc gia. 

BLHS đầu tiên - năm 1985 tại điều 124 “tội xâm phạm các quyền hội họp, lập hội, tín ngưỡng của công dân” đã quy định: “Người nào lợi dụng các quyền tự do nói trên và các quyền tự do dân chủ khác để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội hoặc của công dân thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến một năm”. Đến BLHS 1999, được cụ thể hóa tại điều 258. Như vậy, ít nhất có 3 thập kỷ điều này được luật hóa và đời sống xã hội đã thừa nhận sự cần thiết của chế định này trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nó không phải là sản phẩm mới của giai đoạn internet hiện nay để quy dẫn cho tự do ngôn luận trên thế giới mạng. Nếu như trước đây, xâm phạm danh dự, nhân phẩm người khác bằng cách tán phát, bôi nhọ qua sách báo, ấn phẩm in hay phát tờ rơi thì ngày nay, bôi nhọ trên blog, mạng internet đều là hành vi phạm pháp và người vi phạm đều phải chịu hậu quả pháp lý tương ứng.

Đánh giá về sự vật, hiện tượng, để tiếp cận chân lý cần tôn trọng quy luật, sự thật khách quan. Ngược lại nếu chỉ nhìn một phía, xuất phát từ một động cơ tiêu cực, ác ý thì dù quan điểm ấy có bộc lộ với trăm nghìn bài viết hay vạn lời rao giảng, nó chỉ giúp sự hiện hình rõ hơn tính cách, ý đồ những kẻ đội lốt “dân chủ”, “tự do” mà thôi

Đ.T.
.
.
.