Doanh nghiệp phải ngăn chặn, loại bỏ thông tin chống Nhà nước trên hệ thống do mình quản lý

Thứ Bảy, 09/06/2018, 07:49
Nhà nước tạo điều kiện, môi trường để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng doanh nghiệp cũng có trách nhiệm ngăn chặn, loại bỏ thông tin chống Nhà nước trên hệ thống thông tin do mình quản lý.


Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật an ninh mạng quy định các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải tiến hành ngăn chặn chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin trên không gian mạng có nội dung chống Nhà nước, thông tin sai sự thật, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế trong vòng 24h theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh mạng sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí và nhân lực cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không có dữ liệu về tổ chức, cá nhân nào đăng tải thông tin đó.

Tuy nhiên, việc bảo vệ an ninh quốc gia là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam. Không một thành phần nào trong xã hội hoạt động kinh doanh mà hoạt động đó bị lợi dụng, sử dụng để chống Nhà nước, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà lại không bị xử lý.

Dự thảo đã quy định rõ, việc thực hiện ngăn chặn chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin chống Nhà nước sẽ được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về an ninh mạng. Nghĩa là khi có yêu cầu, doanh nghiệp phải thực hiện, không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng trên hệ thống thông tin do doanh nghiệp quản lý mà lại có thông tin chống Nhà nước.

Nhà nước tạo điều kiện, môi trường để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng doanh nghiệp cũng có trách nhiệm ngăn chặn, loại bỏ thông tin chống Nhà nước trên hệ thống thông tin do mình quản lý.

Tham khảo kinh nghiệm ở nước ngoài cho thấy, một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để quản lý thông tin, hoạt động trên không gian mạng có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Cụ thể, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống pháp luật nhằm ngăn chặn triệt để thông tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống trên không gian mạng của các quốc gia trên thế giới, không thừa nhận quyền nhân quyền cao hơn chủ quyền, tạo điều kiện để mạng internet phát triển nhưng phải kèm theo điều kiện căn bản là bảo vệ an ninh của đất nước.

Một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook đã bị cấm hoạt động trên thị trường Trung Quốc, không có phiên bản tiếng Trung. Hiện nay, Hàn Quốc đang thực hiện chính sách kiểm duyệt, ngăn chặn các truy cập những nội dung tuyên truyền lật đổ, nội dung độc hại đối với trẻ em, nói xấu, phỉ báng, bạo lực tình dục, khiêu dâm.

Đức đã ban hành Luật Nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên mạng xã hội, đưa ra các quy định bắt buộc đối với mạng xã hội xử lý nhanh chóng và toàn diện hành vi đăng tải thông tin công kích, phỉ báng, bôi nhọ trên không gian mạng; báo cáo cơ quan chức năng hàng quý về xử lý khiếu nại liên quan hoạt động trên; yêu cầu các mạng xã hội phải gỡ bỏ các nội dung trên trong vòng 24h kể từ khi nhận được khiếu nại từ người dùng; gỡ bỏ ngay lập tức nội dung bất hợp pháp hoặc ngăn chặn truy cập nội dung này khi được thông báo.

Các hành vi không tuân thủ quy định về việc gỡ bỏ, ngăn chặn thông tin có nội dung công kích, phỉ báng, bôi nhọ trên không gian mạng hoặc vi phạm trách nhiệm quản lý có thể bị xử lý hành chính từ 5 triệu EURO đến 50 triệu EURO tùy theo mức độ vi phạm...

Ngày 31-5-2016, Ủy ban Châu Âu đã ký với 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet của Mỹ là Microsoft, Facebook, Twitter, Google (Youtube) có hoạt động tại Liên minh Châu Âu “Bộ Quy tắc ứng xử về phòng chống hành vi phỉ báng, bôi nhọ, trái pháp luật trên không gian mạng” (COC). 

Theo đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet phải xây dựng, thực hiện các quy trình rõ ràng và hiệu quả để đánh giá các thông báo liên quan hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, bôi nhọ, vu khống trên các dịch vụ của mình; kiểm tra các thông báo yêu cầu gỡ bỏ hợp lệ trong vòng 24h và tiến hành loại bỏ hoặc vô hiệu hóa quyền truy cập…

Nguyễn Hương
.
.
.