Địa phương đông người nước ngoài cư trú, làm việc cần thường xuyên thanh, kiểm tra

Thứ Năm, 31/10/2019, 11:18

Thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 31-10, ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) đánh giá, pháp luật về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, lao động, đầu tư kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam khá đầy đủ, đồng thời được đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.


“Cho đến nay đã có 21 văn bản quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh; 14 văn bản về quản lý lao động nước ngoài; 24 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và nhiều quy định khác lien quan đến nhà ở, hôn nhân và gia đình có liên quan đến yếu tố nước ngoài”, đại biểu viện dẫn.

Về cơ bản, những quy định này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh. Điển hình như quy định miễn thị thực, thí điểm cấp thị thực điện tử đã tạo thuận lợi cho thủ tục xuất nhập cảnh thì số lượng người nước ngoài vào Việt Nam đã tăng dần theo các năm.

ĐBQH Đinh Công Sỹ

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, hết năm 2018 đã đạt trên 16 triệu lượt người và trước năm 2019 sẽ đạt 18 triệu lượt người nước ngoài vào Việt Nam. Sự tham gia của người nước ngoài vào các hoạt động đầu tư, thương mại và dịch vụ đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển chung của nước ta.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Đinh Công Sỹ, chính sự tăng lên của lượng người nước ngoài vào Việt Nam đã và đang nảy sinh những vấn đề tiêu cực, như: người nước ngoài tổ chức các hoạt động kinh doanh trái pháp luật, tổ chức đánh bạc, tội phạm ma tuý, lừa đảo, vi phạm pháp luật về cư trú, lao động... Những vụ việc không chỉ có tính chất đơn lẻ mà có đường dây, có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.

Những vi phạm này không chỉ là vi phạm hành chính mà nghiêm trọng hơn còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Thực tế này đã đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý nhà nước về người nước ngoài. Ông chỉ ra một số nguyên nhân như: lợi dụng kẽ hở của quy định pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người nước ngoài trong tuyển dụng, sử dụng và cấp phép lao động, xuất nhập cảnh và cư trú; sự chồng chéo trong quy định về thẩm quyền quản lý xuất nhập cảnh và quản lý cư trú...

Đại biểu tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý người nước ngoài, nhất là các văn bản dưới luật; sớm cụ thể hoá và triển khai có hiệu quả Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của ng nước ngoài tại Việt Nam mà Quốc hội sẽ thông qua tai kỳ họp này.

“Công tác thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành một cách thường xuyên, nhất là chính quyền địa phương có đông người nước ngoài đến cư trú, làm việc; cũng như trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, gồm trách nhiệm quản lý ngành, quản lý địa phương. Liên quan đến các vụ việc, sau điều tra cần được xem xét, xử lý kịp thời và minh bạch” – ĐBQH Đinh Công Sỹ nhấn mạnh.


Bảo Quân
.
.
.