Đề nghị tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa

Thứ Ba, 09/05/2017, 09:10
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định như vậy trong một tuyên bố đưa ra tối 8-5.


Trả lời câu hỏi cả phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cùng các phóng viên Philippines và nước ngoài đến đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa là không thể tranh cãi.

“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), kiềm chế và không có các hành động gây căng thẳng làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, hôm 7-5, theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, nhà xuất bản Xlibris có trụ sở tại tiểu bang Indiana đã cho ra mắt cuốn sách "Islands and Rocks in the South China Sea - Post Hague Ruling" (tạm dịch là "Các đảo và đá ở Biển Đông - Hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA)") đến bạn đọc Mỹ và quốc tế. 

Cuốn sách gồm 254 trang tiếng Anh, do tác giả James Borton, chuyên gia cao cấp của viện Mỹ - châu Á (đồng thời là tác giả của cuốn "Biển Đông: Các thách thức và triển vọng" xuất bản năm 2015) biên soạn dựa trên các bài phát biểu của nhiều học giả có uy tín trên thế giới tham dự hội thảo quốc tế "Địa vị pháp lý của các đảo, đá quy định trong luật quốc tế và thực tiễn áp dụng tại Biển Đông" tổ chức tại Nha Trang, Việt Nam hồi tháng 8 năm ngoái.

Nội dung chính của cuốn sách gồm 3 phần, phân tích về địa vị pháp lý của các đảo, đá quy định trong luật quốc tế; các tranh chấp chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa; và các khía cạnh của phán quyết PCA đối với vụ Philippine kiện Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền phi lý cùng các hoạt động của hủy hoại môi trường sinh thái của nước này tại Biển Đông và những bước đi Việt Nam có thể nghiên cứu thực hiện nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình hậu phán quyết. 

"Các đảo và đá ở Biển Đông - Hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế" đang được rao bán trên nhiều trang mạng phổ biến ở Mỹ và các nước. ảnh: Vietnamplus

Tác giả cuốn sách chia sẻ: "Khoa học biển và ngư dân hiểu rằng, những rạn san hô khỏe mạnh sẽ giúp đảm bảo nguồn lương thực, phòng chống thiên tai và bảo tồn các giá trị truyền thống của các cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo”. Do đó "thách thức đối với tất cả mọi người là phải tìm ra các giải pháp cho khu vực để bảo vệ Biển Đông trước khi quá muộn."

Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông Jonathan Spangler cho rằng "Sự ra đời kịp thời của cuốn sách với sự đóng góp của các học giả hàng đầu thế giới ủng hộ sự hợp tác trên lĩnh vực khoa học biển nhằm giải quyết các tranh chấp là rất đáng để đọc, có thể giúp đọc giả hiểu hơn về sự phức tạp của các vấn đề tại Biển Đông."

Hiện cuốn sách "Các đảo và đá ở Biển Đông - Hậu phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế" đã xuất hiện trên các trang mạng phổ biến tại Mỹ và các nước như Amazon, Ebay...

Huyền Chi
.
.
.