Đề nghị Quốc hội giám sát về phòng chống bạo lực trẻ em

Thứ Bảy, 22/04/2017, 16:31
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, số vụ xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2015 là 1.717 vụ, năm 2016 là 1641 vụ, quý I-2017 là 375 vụ. 


Ngày 22-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2018. Xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ĐBQH.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong năm 2018 Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm; UBTVQH giám sát 2 chuyên đề tại phiên họp tháng 8 và tháng 9-2018; Hội đồng Dân tộc giám sát không quá 3 chuyên đề; các Uỷ ban giám sát không quá 2 chuyên đề.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Ngày 19-1-2017, Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH; các Ban, Viện của UBTVQH, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất những nội dung đưa vào chương trình sát sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2018.

Tính đến ngày 3-4-2016, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 64/67 cơ quan với 196 nội dung kiến nghị. Từ 196 nội dung đề xuất của các cơ quan với 8 nhóm vấn đề, trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn, tiếp thu các ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội trình UBTVQH xem xét, lựa chọn 4/6 nội dung để trình Quốc hội:

(1)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ (dự kiến giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì thực hiện).

(2)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính – Ngân sách giúp chủ trì nội dung)

(3)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư (dự kiến giao Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường giúp chủ trì nội dung).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại phiên họp

(4)-Việc thực hiện Luật Thủ đô (dự kiến giao Uỷ ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung).

(5)-Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và An ninh giúp chủ trì về nội dung).

(6)-Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với Cách mạng (dự kiến giao Uỷ ban các vấn đề về xã hội giúp chủ trì về nội dung).

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng Quốc hội cần giám sát thêm việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em bởi đây là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội, đa số các gia đình có trẻ em đều lo lắng, nhất là tình trạng bạo lực tình dục đối với trẻ em cũng báo động.

 “Có báo cáo rất đáng ngại về kết quả phòng, chống xâm phạm tình dục trẻ em, chưa nói vấn đề xâm phạm khác. 1.717 vụ trong năm 2015, năm 2016 là 1641 vụ, quý I-2017 là 375 vụ, đó là các vụ phát hiện, chưa nói đến các vụ chưa phát hiện”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn ra số liệu liên quan đến xâm phạm tình dục trẻ em rất đáng quan ngại, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung phòng chống bạo lực trẻ em vào hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, đa số ý kiến UBTVQH thống nhất nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội và UBTVQH tập trung vào các chuyên đề (1), (2) và (5). Tuy nhiên chuyên đề 1 được điều chỉnh lại là: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước”.

Ngoài 3 chuyên đề trên, UBTVQH bổ sung thêm chuyên đề giám sát về phòng chống bạo lực trẻ em; chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. “Trên cơ sở kết quả của phiên họp này, đề nghị Văn phòng Quốc hội khẩn trương chuẩn bị tờ trình, chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 và các văn bản liên quan, xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội và đưa ra kỳ họp sắp tới” – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chốt lại.

Quỳnh Vinh
.
.
.