Dấu ấn 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo 389 quốc gia
- Mỗi tháng, đường dây nóng 389 quốc gia tiếp nhận 200 thông tin phản ánh hàng giả, hàng lậu
- Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389
Phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội luôn gắn liền với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác này, các bộ, ngành, địa phương tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Trước tình hình hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều thuận lợi cơ bản song chúng ta đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả quy mô và tính chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại đối với doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, nguy hại hơn, trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, tham nhũng...
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tệ nạn này, ngày 19-3-2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) với hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, phân công 01 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban và các Phó Trưởng ban, Ủy viên là các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành trung ương để thực hiện chức năng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: xây dựng chiến lược, kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác này; Chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng các cấp trong công tác điều tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, có tổ chức, liên quan đến nhiều lĩnh vực, địa bàn …
Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, với tinh thần và trách nhiệm cao, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết để kiện toàn bộ máy hoạt động từ trung ương đến địa phương và các định hướng, chiến lược chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả mang tính cấp bách, toàn diện để thống nhất chỉ đạo phạm vi toàn quốc như: Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị số 17/CP-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19-6-2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…
Ban Chỉ đạo đã ký và ban hành nhiều Quyết định, kế hoạch chuyên đề và các công điện để chỉ đạo công tác này.
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch thực hiện, triển khai đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt đã phát huy được cả hệ thống chính trị tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tạo được cả bề rộng và bề sâu.
Công tác phát hiện, xử lý, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia được thực hiện thường xuyên, liên tục. Hàng năm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng Kế hoạch, trong đó triển khai cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, triển khai thực hiện các Kế hoạch cao điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Định kỳ 6 tháng, một năm Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đều tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết trực tuyến toàn quốc; hàng quý tổ chức giao ban thường trực Ban Chỉ đạo để đánh giá kết quả hoạt động, phương hướng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm để xử lý những vấn đề nổi cộm, vụ việc phức tạp, ...
Bên cạnh công tác phát hiện, xử lý, công tác tuyên truyền đã được quan tâm cả bề rộng và chiều sâu với sự tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông và tổ chức xã hội. Hoạt động truyên truyền đa dạng hơn, phong phú hơn phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền.
Các địa phương thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên nhiều phương tiện với nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức toàn dân về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả như: báo giấy, truyền hình, pano, quảng cáo, ...
Để chủ động nắm tình hình và tham mưu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã triển khai thiết lập đường dây nóng thông qua các số điện thoại 0981.389.389, 0961.389.389; thư điện tử bcd389@customs.gov.vn, đồng thời tổ chức tiếp nhận các đơn, thư phản ánh của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay, bảo kê của các cá nhân, đơn vị thuộc các lực lượng chức năng. Qua đó đã xử lý nhiều thông tin vụ việc có hiệu quả.
Đáng chú ý Quyết định số 361/QĐ-BCĐ389 ngày 01 tháng 6 năm 2017 về việc ban hành Quy chế trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tạo được sức mạnh tổng hợp giữa các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ.
Với sự chỉ đạo thường xuyên và quyết tâm cao của các lực lượng chức năng, 5 năm qua đã phát hiện, xử lý 1.057.934 vụ (1 triệu 57 nghìn 934 vụ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 91 nghìn tỷ đồng; số vụ khởi tố 8.788 vụ, với 10.404 đối tượng. Nhiều đối tượng bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, nhiều đường dây, ổ nhóm đã bị triệt xóa.
Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và quyết liệt của các cấp ủy đảng, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, đã từng bước ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện, những kết quả đạt được nêu trên rất đáng ghi nhận song vẫn chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân.
Dự báo thời gian tới, diễn biến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và phức tạp cả địa bàn, quy mô và tính chất. Trên cơ sở những tồn tại, hạn chế, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện; tăng cường công tác phối hợp các lực lượng; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch, chương trình công tác đã đề ra; kịp thời xử lý những vụ việc nổi cộm ...
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật và đẩy mạnh công tác truyền thông đa dạng về hình thức tuyên truyền, để nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này. Phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,...
Chặng đường 5 năm qua, những thành tựu đã đạt được và những tồn tại, khó khăn, với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn tin tưởng tình trạng buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả sẽ từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi.