Đảng lãnh đạo toàn diện lực lượng vũ trang

Thứ Hai, 20/05/2013, 23:41
Sự ra đời và tồn tại của lực lượng vũ trang gắn liền với sự ra đời và tồn tại của Nhà nước.

Với tư cách là một tổ chức của Nhà nước, do Nhà nước xây dựng, nên lực lượng vũ trang bao giờ cũng mang bản chất giai cấp của Nhà nước.

C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định rằng, lực lượng vũ trang của bất cứ nhà nước bóc lột nào cũng đều là công cụ bạo lực chủ yếu để bảo vệ lợi ích của giai cấp bóc lột, để đàn áp những người lao động, để thực hiện chính sách xâm lược của chúng.

V.I.Lênin đã bảo vệ và phát triển lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen về lực lượng vũ trang, chỉ rõ lực lượng vũ trang của các nước tư sản “là công cụ vững chắc nhất để duy trì chế độ cũ, là thành trì kiên cố nhất để bảo vệ trật tự tư sản và sự thống trị của tư bản” (V.I.Lênin: Toàn tập, tập 37, NXB CTQG, HN 2001, tr.361).

Đồng thời, V.I.Lênin đã khẳng định bản chất giai cấp của quân đội kiểu mới - quân đội của giai cấp vô sản: “Quân đội chúng ta là quân đội của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản”.

V.I.Lênin cũng đã phê phán những quan điểm cho rằng quân đội “trung lập hoá” chính trị, “phi chính trị”. Người chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng lôi kéo quân đội vào chính trị phản động”.

VI.Lênin đã đề ra những nguyên tắc căn bản xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới: Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang; quan điểm giai cấp trong xây dựng lực lượng vũ trang; sự thống nhất giữa lực lượng vũ trang và nhân dân… Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc quan trọng nhất, quyết định sức mạnh, sự tồn tại và phát triển của lực lượng vũ trang.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của V.I.Lênin về lực lượng vũ trang kiểu mới, sáng lập ra lực lượng vũ trang của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang.

Nói về quân đội, Người chỉ rõ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, NXB CTQG, HN, 2002, tr.350).

Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, giáo dục và rèn luyện. Từ khi ra đời đến nay, lực lượng vũ trang không ngừng phát triển và đã thực sự trở thành lực lượng chính trị - vũ trang hùng mạnh, trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nhờ có đường lối đúng đắn, có chiến lược và sách lược phù hợp, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân ta làm nên những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa dân tộc tiến vào kỷ nguyên độc lập tự do, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, đại thắng mùa xuân năm 1995, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Lịch sử, gần 70 năm qua đã khẳng định nhờ sự lãnh đạo toàn diện đúng đắn, tài tình của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nên lực lượng vũ trang cùng toàn dân đã làm nên những  kỳ tích nêu trên.

Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của lực lượng vũ trang nói riêng, của cách mạng Việt Nam nói chung.

Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn luôn là lực lượng trung thành, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Sinh ra và lớn lên trong phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam thật sự là lực lượng vũ trang của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Cội nguồn sức mạnh của lực lực lượng vũ trang là từ nhân dân, ở trong nhân dân. Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của lực lượng vũ trang.

Trong chế độ ta, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Đảng ra đời, tồn tại là vì nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng chế độ mới.

Do đó lực lượng vũ trang là lực lượng trung thành với Tổ quốc, nhân dân, và Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản, thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng của nhân dân và lực lượng lãnh đạo xã hội, có quy định những nội dung về bảo vệ Tổ quốc và các lực lượng vũ trang nhân dân là đúng đắn, cần thiết.

Hiến pháp năm 1980, Chương IV. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, có 2 điều, trong đó Điều 51 quy định: “Các lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ những thành quả cách mạng, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tự do, hạnh phúc và lao động hoà bình của nhân dân, cùng toàn dân xây dựng nước nhà”.

Hiến pháp năm 1992, Chương IV. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có 5 điều, trong đó Điều 45 quy định “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước”.

Kế thừa những bản Hiến pháp trước đây, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, công bố lấy ý kiến nhân dân, Chương IV. Bảo vệ Tổ quốc, giữ 5 điều, nhưng có sửa đổi, bổ sung trong từng điều, trong đó Điều 70 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Đa số nhân dân đồng tình với Dự thảo, có đề nghị thay đổi trật tự một số cụm từ và kiến nghị viết như sau: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Sửa đổi, bổ sung như trên là chính xác. So với Hiến pháp năm 1992 có bổ sung quy định lực lượng vũ trang không chỉ trung thành với Tổ quốc và nhân dân mà còn trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì Điều 4 đã quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước.

Bổ sung quy định lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước là đúng đắn. Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” phù hợp với quyết định của Đại hội XI là hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh

N.V.T.
.
.
.