Đang điều tra việc có hay không phụ huynh "mua điểm" cho con

Thứ Ba, 04/06/2019, 10:48
Sáng 4-6, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nói về quá trình điều tra vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.


Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đến nay Bộ Công an và Công an các tỉnh đang điều tra 3 vụ, 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Kết quả điều tra cho thấy đã đầy đủ căn cứ để kết luận hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao thực hiện can thiệp, sửa chữa nâng điểm cho thí sinh. Cơ quan điều tra đã làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm trong kỳ thi, cụ thể Hòa Bình 63 thí sinh, Hà Giang 107 thí sinh và Sơn La 44 thí sinh.

Về việc phụ huynh đưa tiền nhờ nâng điểm cho con, hiện Cơ quan điều tra vẫn đang điều tra làm rõ, củng cố chứng cứ theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an sẽ công bố ngay khi có kết luận.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội về việc tại sao việc điều tra gian lận thi cử ở các địa phương nơi được giao cho Công an tỉnh, nơi được giao cho Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong vụ án này, thẩm quyền điều tra thuộc Công an tỉnh, song Bộ Công an xác định đây là loại tội phạm mới, cộng với việc ở Hòa Bình, Tỉnh ủy và Công an tỉnh đề nghị nên Bộ vào cuộc phối hợp cùng điều tra.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định với vụ án này, đến nay chưa có báo cáo về vi phạm pháp luật hay thiếu trung thực của Công an tỉnh trong điều tra gian lận thi cử.

Khó khăn trong việc ngăn chặn người "ngáo đá", tâm thần gây án

Trả lời câu hỏi về vấn đề quản lý đối tượng ngáo đá trước khi gây án, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đây là vấn đề rất thực tế trong tình hình hiện nay. Giải pháp trước mắt là tăng cường hướng dẫn Công an địa phương để quản lý nhóm đối tượng này.

"Dù khả năng gây án của nhóm đối tượng này là rất lớn nhưng trên thực tế họ vẫn chưa phạm tội nên chưa thể xử lý được, chỉ có thể theo dõi và phòng tránh", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Riêng đối với các đối tượng tâm thần gây án thì việc phạm tội thường xảy ra bất ngờ, thường trong các gia đình. Qua nghiên cứu, tỷ lệ người tâm thần gây án cao gấp khoảng 6-7 lần so với người bình thường. Để phòng ngừa, Bộ chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền làm tốt công tác phòng ngừa, quản lý các đối tượng  này.

 “Điều quan trọng nhất là quản lý chặt chẽ đối tượng, khi có biểu hiện phát bệnh cần đưa đối tượng đến cơ sở y tế điều trị”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

PV
.
.
.