Dân chủ là yếu tố quan trọng trong công tác nhân sự Đại hội XI

Thứ Tư, 12/01/2011, 08:20
Nếu như cần thiết phải để Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư, thì chúng ta lại một lần nữa chứng kiến sức mạnh của tập thể, sức mạnh của dân chủ tập trung, sức mạnh vĩ đại của Đảng ta, sức mạnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng tổng kết hết sức sâu sắc: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

Mỗi kỳ Đại hội Đảng, công tác nhân sự trên thực tế bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của không chỉ cán bộ, đảng viên mà còn là sự trông ngóng, mong đợi lớn nhất của toàn thể nhân dân trong cả nước. Công tác nhân sự của Đại hội Đảng XI cũng không nằm ngoài truyền thống đó.

Tại cuộc họp báo trước thềm Đại hội tại Hà Nội sáng 10/1/2011, trả lời câu hỏi của báo chí về việc bầu chức danh Tổng Bí thư, ông Trần Lưu Hải, Phó ban Tổ chức TW cho biết, trong Điều lệ Đảng khóa X chưa đề cập đến việc Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư, nhưng nếu đa số đại biểu tham dự Đại hội XI yêu cầu thì Đại hội sẽ tiến hành bầu trực tiếp Tổng Bí thư.

Đoàn Chủ tịch Đại hội XI của Đảng.

Trong suốt cả năm 2010 vừa qua, dù chưa có quy định trong Điều lệ Đảng khóa X, nhưng Ban Tổ chức TW đã từng bước thực hiện thí điểm từ cơ sở việc bầu trực tiếp Bí thư và Ban Thường vụ tại đại hội, trong đó có 10 địa phương bầu trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy. Kết quả bước đầu của việc thí điểm bầu trực tiếp này là khá tốt, được dư luận trong và ngoài Đảng đều đồng tình ủng hộ.

Vậy là đã có thí điểm bầu trực tiếp, vậy là đã có thành công trong việc bầu trực tiếp. Điều đó có nghĩa là cho dù chưa được ghi trong Điều lệ khóa X, thì việc bầu trực tiếp Bí thư thực tế đã diễn ra ở cấp cơ sở và không còn là "chuyện lạ", không còn là việc "chưa có tiền lệ" trong sinh hoạt Đảng hiện nay.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTW MTTQVN trong trả lời phỏng vấn Báo Lao động về Đại hội XI đã nhấn mạnh: "Cái vĩ đại của Đảng ta là biết phát huy sức mạnh của quần chúng. Một điều quan trọng của Đại hội Đảng là phải làm tốt công tác cán bộ. Muốn lựa chọn cán bộ tốt phải phát huy dân chủ tốt, đấy là chìa khóa thành công…".

Trở lại vấn đề bầu Tổng Bí thư trong Đại hội XI. Trong đời sống chính trị của Việt Nam hiện nay, Tổng Bí thư là chức danh có vai trò quan trọng bậc nhất đối với toàn bộ hoạt động của ban lãnh đạo Đảng, cũng là đối với toàn Đảng và toàn dân.

Ông Bùi Đức Lại, nguyên Chuyên viên cao cấp Ban Tổ chức TW, trong một bài viết mới đây trên Vietnamnet khi bàn về việc bầu Tổng Bí thư trong Đại hội XI đã đưa ra ý kiến rất đáng được các đại biểu dự Đại hội XI quan tâm: "Tổng Bí thư là tổng công trình sư, thường là người đề xuất chính các ý tưởng. Là người ra quyết định cuối cùng trong các tình huống phức tạp. Không có sự ủng hộ của Tổng Bí thư thì sáng kiến chính trị của các thành viên khác trong ban lãnh đạo khó có thể được đưa ra xem xét, càng không thể được thực hiện. Vừa qua, sự thành bại của không ít đảng lãnh đạo trong các nước theo chế độ XHCN cho thấy một sự thật hiển nhiên: Tổng Bí thư có thể không có dấu ấn trong các thành công, nhưng trong mọi thất bại của đảng và chế độ, đều có nguyên nhân trực tiếp từ sự yếu kém của người đảm nhận chức danh này".

Và chính vì thế, việc toàn Đảng, toàn dân đưa ra đòi hỏi cao về phẩm chất, năng lực đối với Tổng Bí thư là một yêu cầu hết sức chính đáng. Và cũng vì thế, việc đòi hỏi một quy trình, một phương pháp tối ưu để bầu ra Tổng Bí thư kỳ này lại càng chính đáng hơn nữa. Đó chính là đòi hỏi cụ thể của tinh thần trách nhiệm cao nhất, thái độ cẩn trọng cao nhất đối với chức danh quan trọng nhất không chỉ của Đảng, mà là của cả đất nước, cả dân tộc.

Ông Bùi Đức Lại viết tiếp: "Đại hội XI nên sớm quyết định chức danh TBT do đại biểu đại hội bầu trực tiếp hay do BCHTW khóa XI bầu. Phương án nào cũng có ưu, nhược điểm, nhưng nếu thực hiện Đại hội bầu Tổng Bí thư, bên cạnh việc hạn chế sự chi phối từ ngoài, sẽ tạo thêm thuận lợi về thế và tín nhiệm đối với chức danh này trong điều kiện hiện nay".

Vậy là đã rõ, về cả lý luận và thực tiễn, việc bầu Tổng Bí thư là một công việc trước hết phải đề cao sức mạnh dân chủ, giữ vững và tôn trọng các nguyên tắc, thủ tục quy định của Đảng, nâng cao trách nhiệm của toàn thể các đại biểu tham dự Đại hội.

Tại Đại hội này, có 1.377 đại biểu đại diện cho 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt ở gần 54.000 cơ sở đảng trong cả nước. Họ sẽ bầu ra Ban Chấp hành TW, rồi BCHTW sẽ bầu ra TBT. Hoặc là chính 1.377 đại biểu này, nếu thấy cần thiết, sẽ trực tiếp bầu ra TBT khóa này. Dù là phương án nào đi nữa, thì 1.377 đại biểu này cũng luôn luôn là đại diện ưu tú nhất của toàn Đảng để thực hiện một cách có trách nhiệm nhất, dân chủ nhất một việc trọng đại mà cả dân tộc, nói không hề "đao to búa lớn", đang hồi hộp mong đợi và hy vọng.

Nếu như cần thiết phải để Đại hội bầu trực tiếp Tổng Bí thư, thì chúng ta cũng lại một lần nữa chứng kiến sức mạnh của tập thể, sức mạnh của dân chủ tập trung, sức mạnh vĩ đại của Đảng ta, sức mạnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng tổng kết hết sức sâu sắc: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

Lênin nói: "Đảng là trí tuệ, là lương tâm của thời đại". Hơn lúc nào hết, các đại biểu dự Đại hội XI càng cần phải thể hiện rõ phẩm chất đó, đặc biệt trong công tác lựa chọn nhân sự, cụ thể trong việc bầu chức danh Tổng Bí thư. Đấy cũng là nhiệm vụ nặng nề, trách nhiệm cao cả mà toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam tin yêu gửi gắm vào toàn thể các đại biểu dự Đại hội XI hôm nay

V.T.
.
.
.