Đại biểu Quốc hội băn khoăn về đặc khu và lo ngại tiền ảo

Thứ Tư, 06/06/2018, 16:25
ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt câu hỏi, nếu Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh Chủ tịch?


Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nói là đặc khu là có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt thì “cán bộ cũng phải đặc biệt”.

Theo Phó Thủ tướng, vừa rồi dự thảo luật quy định lựa chọn Chủ tịch rất quan trọng với quy trình chặt chẽ, theo hướng Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định và HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn.

“Tôi tin là sẽ chọn được người đủ đức, đủ tài để chèo lái đặc khu”, Phó thủ tướng nói.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết khái quát, nếu triển khai thành công 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thì kinh tế - xã hội của các địa phương đó phát triển đến mức nào, đóng góp thế nào trong nền kinh tế Việt Nam?

Ông cũng đặt vấn đề về mối quan hệ phát triển kinh tế ở 3 đặc khu với sự ổn định an ninh quốc phòng và toàn vẹn đất nước trong 50 năm, 100 năm và lâu hơn nữa?

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc ra đời đặc khu trên thế giới là để tạo ra nơi thử nghiệm thể chế và tạo cực tăng trưởng. Dự luật hiện Quốc hội đang thảo luận thì có tính toán lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, quốc phòng an ninh…

Phó Thủ tướng thông tin, Hà Nội và TP.HCM bao giờ cũng là đầu tàu và động lực của cả nước, rồi 7 vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục cơ chế chính sách phát huy thế mạnh của vùng, làm lan toả địa phương và vùng khác.

“Việc ra đời đặc khu không tác động gì về quan điểm, nguồn lực tập trung cho hai đầu tàu và 7 vùng kinh tế trọng điểm” – Phó Thủ tướng nêu.

Giơ biển tranh luận về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí thẳng thắn: “Tôi không hài lòng về câu trả lời của Phó Thủ tướng. Ý của tôi hỏi là rồi đây nếu phát triển thì phát triển đến mức nào, Phó Thủ tướng cho vài ý khái quát để mọi người yên tâm về việc này”.

Từ ghế chủ toạ điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật đặc khu chưa được thông qua, xin phép Quốc hội cho Phó Thủ tướng trả lời bằng văn bản.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng đặt câu hỏi về vấn đề quản lý tiền ảo; đề nghị  Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có định hướng nào, giải pháp gì để quản lý chặt chẽ?

ĐBQH Tạ Văn Hạ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, khi có thông tin bà con mua máy về đào bitcoin, xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, xuất hiện thẻ cào thanh toán trên mạng, kinh doanh đa cấp trên mạng mà Bộ Công an đã khởi tố. 

Thủ tướng và Phó Thủ tướng kịp thời ban hành đề án giao Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, bộ ngành liên quan nghiên cứu khung khổ quản lý tiền ảo. Ngân hàng nhà nước lập tức ra văn bản không công nhận đó là đồng tiền sử dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên tình trạng nhập máy đào bitcoin hiện tương đối sôi động. “Theo số liệu Bộ Tài chính báo cáo, từ năm ngoái đến nay đã nhập 15.600 máy đào Bitcoin, trong đó TP.HCM là 9.000 máy, Hà Nội 6.000 máy, còn lại ở Đà Nẵng. Bộ Tài chính đang đề nghị cấm, không cho nhập, nhưng cần phải xem xét thêm về cơ sở pháp lý” – Phó Thủ tướng thông tin.

Trong khi đó ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lại đề nghị nên nghiên cứu, tạo hành lang pháp lý cho tiền ảo chứ không nên cấp. “Nghiên lịch sử phát triển đồng tiền thì từng giai đoạn lịch sử, vật ngang giá đó có sự thay đổi (từ hàng đổi hàng, dùng kim loại quý, tiền giấy...). Hiện nay, trong thời đại công nghệ 4.0 thì việc ra đồng tiền ảo ngang giá để thanh toán.

Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định dù là xu hướng nhưng cho đến giờ phút này, pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành đồng tiền ảo.


Bảo Quân
.
.
.