Đại biểu Quốc hội đề nghị thắt chặt quy định PCCC với chung cư

Thứ Tư, 13/11/2019, 13:54
Đại biểu Quốc hội cho rằng chung cư chiếm tới 90% nguồn cung nhà ở tại các đô thị lớn nên việc đảm bảo chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho đối tượng nhà ở này cần được tập trung.

Cần đầu tư cho hạ tầng PCCC cho khu vực đô thị

Theo chương trình làm việc kỳ họp 8, Quốc hội dành ngày 13-11 thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018. Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nhận định, đánh giá và đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đoàn Hưng Yên. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, đoàn Hưng Yên nêu vấn đề số vụ cháy ở thành thị chiếm hơn 60% tổng số vụ cháy trong giai đoạn 2014-2018.  Hiện, các quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC trong lập quy hoạch đô thị, cũng như thiết kế công trình đã được ban hành đầy đủ, song thực tế hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn nhiều bất cập.

Lấy ví dụ ở Hà Nội, đại biểu cho biết thành phố có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. "Hà Nội hiện cũng thiếu đến 7.000 trụ nước, 300 bể nước, 400 bến nước lấy nước chữa cháy", đại biểu nêu.

Trên cơ sở đó, bà Mai đề nghị rà soát, xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng tốt yêu cầu PCCC. Đại biểu cũng cho rằng quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong PCCC, từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác chữa cháy.

"Thiết kế của các công trình cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC, bất cứ công trình nào cũng chỉ được đưa vào sử dụng sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu hệ thống PCCC", đại biểu nhấn mạnh và đề xuất kiểm tra định kì hạ tầng PCCC cũng như tổ chức nhiều buổi diễn tập, tuyên truyền để nâng cao khả năng ứng phó với hỏa hoạn của người dân.

Đại biểu đề nghị siết chặt quy định PCCC với chung cư

Cũng liên quan đến vấn đề PCCC tại đô thị, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp thì cho rằng, Quốc hội cần làm rõ việc tăng cường kiểm tra, giám sát với một số loại hình, địa bàn có nguy cơ cháy, nổ cao, trong đó có các công trình chung cư.

"Thống kê sơ bộ cho thấy cả nước có 3.000 tòa chung cư, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc PCCC cho hệ thống chung cư chính là để bảo vệ sự bình an cho người dân", đại biểu nêu.

Khói bốc lên từ một vụ hoả hoạn ở Hà Nội cách đây không lâu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đã đến lúc nhìn thẳng vào thực trạng phòng, chống cháy nổ hiện nay để thấy những "lỗ hổng" cần phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. 

Đại biểu nêu rõ những lỗ hổng đó bộc lộ qua sự chồng chéo, bấp cật, thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định pháp luật, không chỉ quy định pháp luật trực tiếp về phòng, chống cháy nổ mà cả các quy định liên quan ở đối tượng xây dựng, giao thông, điện lực. "Đây là nguyên nhân khiến các địa phương lúng túng trong thực hiện", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Thạch Phước Bình đoàn Trà Vinh cho hay, gần đây, nhiều vụ cháy lớn xảy ra tại các toà chung cư lớn cả nước gây hoang mang cho người dân. Tại các toà chung cư, nhiều căn bị thay đổi công năng, điều chỉnh mục đích sử dụng, tạo ra nguy cơ cháy nổ.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị các nhà đầu tư, người chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng nhà chung cư, nhà cao tầng phải chấp hành nghiêm quy định về PCCC, đảm bảo các hệ thống PCCC hoạt động tốt, hệ thông thông tin, báo động về PCCC phải nhanh chóng để đảm bảo cho công tác chữa cháy.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đoàn Quảng Bình cũng cho rằng vấn đề PCCC tại chung cư rất cần quan tâm. "Tôi đề nghị là bây giờ trong Luật Xây dựng làm thế nào thì sửa đổi các chung cư cao tầng, các khách sạn không để tầng hầm là nơi đậu xe, từng xe là có thùng xăng và tầng hầm nơi đậu xe máy, xe ô tô trở thành kho xăng dầu ở dưới và khi cháy thì không thể nào mà cứu chữa được", đại biểu nói.

Đại biểu đồng thời đề xuất, trong tương lai, cần có quy định xây các bãi đỗ xe riêng nằm ngoài khu chung cư chứ không để dưới tầng hầm.

Phải đảm bảo sức khoẻ  cho người dân tại khu xảy ra cháy

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng hoả hoạn sẽ gây ra sự cố về môi trường do khói bụi, do chất độc phát ra từ đám cháy nên cần có biện pháp để khắc phục, đảm bảo sức khoẻ cho người dân sinh sống tại khu xảy ra hoả hoạn.

Lấy ví dụ vụ cháy gần đây tại xưởng của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng đông ở quận Thanh Xuân, Hà Nội mới đây, bà Mai đề nghị các cơ quan chức năng cần cân nhắc, triển khai lực lượng y tế trực 24/24 giờ tại khu vực xảy ra đám cháy; tổ chức khám sức khoẻ miễn phí theo yêu cầu của người dân sinh sống trong khu vực.

"Cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa, nhằm giảm xuống mức thấp nhất các tác động đến sức khỏe và môi trường. Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, giám định nhằm xác định mức độ ô nhiễm về đất, nước, không khí trong vùng bị ảnh hưởng", đại biểu nói và đề nghị xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra cháy hoặc bồi thường, khắc phục thiệt hại không hiệu quả.

Thuỷ - Minh
.
.
.