Đã cấp 800 giấy phép mạng xã hội, sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam
- Viettel hợp tác với Vingroup phát triển phiên bản khối vô tuyến cho trạm thu phát sóng 5G
- Xử lý nghiêm việc đưa tin bão lụt sai sự thật trên mạng xã hội
- Sử dụng mạng xã hội xây dựng các mô hình bảo vệ An ninh Tổ quốc hiệu quả
- Xử lý các video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên mạng xã hội
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, ở Kỳ họp thứ 8 bà đã chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT về mạng Lotus, Bộ trưởng đã nêu các giải pháp, cam đoan sẽ phát triển, nhưng ở hiện tại mạng này vẫn "im hơi lặng tiếng". "Giải pháp của Bộ trưởng là gì, có khai tử mạng này hay là tìm giải pháp cho mạng này tiếp tục phát triển?", nữ đại biểu chất vấn.
"Câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu là câu hỏi khó, tôi xin nói, chúng ta làm 5G là không chậm. Năm 2019 chúng ta đã thử nghiệm kỹ thuật, năm 2020 chúng ta đã thử nghiệm thương mại (kinh doanh có thu phí), và năm 2021 sẽ triển khai tự động"- Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. |
Theo Bộ trưởng, nhìn lại lịch sử của Việt Nam, 2G chúng ta đi cùng với thế giới, chúng ta triển khai năm 1992, vào top cao của thế giới thì chuẩn là năm 1990. Nhưng đến 3G, 4G chúng ta chậm chân hơn từ 7-8 năm, xếp hạng 108 năm 2017 và đến nay lên hạng 17.
Về câu hỏi, nếu chúng ta triển khai sớm liệu có tốn kém, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, nếu triển khai sẽ theo pha, pha 1 làm ở thành phố lớn, trung tâm đông người, ở các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học. Tinh thần là chúng ta triển khai dựa trên hạ tầng đã có của 4G, sẽ dùng chung cơ sở hạ tầng nên chi phí không lớn .
Nhà trạm, cột ăng ten, truyền dẫn... 70% dùng lại được. Hiện Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp xây dựng phương án và chắc chắn trong năm nay sẽ ra quy định. Đồng thời sẽ tắt 2G, 3G để giảm chi phí cho các nhà mạng.
"Tin vui là khi chúng ta triển khai rộng rãi sẽ có thiết bị 5G của Việt Nam, và chắc chắn rằng chất lượng tốt, giá rẻ hơn, sẽ tiết kiệm chi phí cho các nhà mạng", Bộ trưởng khẳng định thêm.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. |
Về câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong hai năm gần đây mạng xã hội Việt Nam có sự bứt phá. Năm 2018 số tài khoản của mạng xã hội Việt Nam là 47 triệu, bằng 50% so với các mạng lớn của nước ngoài thì đến nay đã đạt được con số 96 triệu tài khoản, tương đương với hai mạng nước ngoài lớn, từng bước đạt thế cân bằng.
Thời gian qua, có nhiều mạng xã hội ra đời, hiện đã cấp phép trên 800 giấy phép mạng xã hội Việt Nam. Các mạng xã hội này đều được xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân theo cơ chế thị trường, không sử dụng NSNN. Bộ TT&TT có vai trò hỗ trợ truyền thông, tháo gỡ cơ chế, chính sách.
"Đến nay mạng Lotus có gần 3 triệu tài khoản, mạng Gapo gần 6 triệu tài khoản, đã phát huy thế mạnh nền tảng dịch vụ chuyên ngành của mình để phát triển thị trường ngách, xây dựng các mạng xã hội chuyên biệt, đa dịch vụ, kết hợp với thanh toán qua di động để tạo ra hệ sinh thái số Việt Nam đáp ứng yêu cầu người sử dụng", Bộ trưởng thông tin.
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các mạng xã hội trong nước theo hướng chiếm lĩnh các thị trường ngách và đặc biệt là các mạng xã hội thế hệ mới với 4 đặc điểm khác biệt với mạng xã hội Facebook: Một, mạng xã hội là nền tảng, chia sẻ doanh thu với người dùng. Thứ hai, có công cụ chặn lọc ngay từ đầu, đảm bảo một nền tảng sạch. Thứ ba, công khai thuật toán với người dùng. Thứ tư, cho phép phát triển các nền tảng con trên nền tảng mẹ để có thể phát triển các cộng đồng nhỏ mang tính văn hóa riêng biệt.
"Việt Nam là một trong số không nhiều nước trên thế giới có các mạng xã hội nội địa tương đương với mạng xã hội nước ngoài", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm.