ĐBQH băn khoăn việc lập thêm phòng giám định tư pháp thuộc VKSNDTC
- Khắc phục kẽ hở nào trong giám định tư pháp?
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của luật sư, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh
- Khai giảng lớp tập huấn công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp năm 2019
Kiểm toán nhà nước nên tham gia giám định tư pháp?
Sáng 25-11, mở đầu chương trình làm việc tuần cuối cùng kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đại biểu Nguyễn Quang Dũng đoàn Quảng Nam cho biết ông ủng hộ kiểm toán nhà nước (KTNN) tham gia giám định tư pháp như được nêu trong Điều 41a của dự thảo luật.
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 25-11 của Quốc hội. |
Ông Dũng cho rằng KTNN có đủ năng lực và đảm bảo tính khách quan trong thực hiện giám định tư pháp khi được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu.
Ủng hộ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thái Học đoàn Phú Yên nêu thực tế xử lý án kinh tế, tham nhũng cho thấy giám định tư pháp về tài chính là việc khó, hay có sự né tránh đùn đẩy của cơ quan, cá nhân có trách nhiệm.
Ông Học thông tin, trong 5 năm qua (2013-2018) mới trưng cầu giám định tài chính 241 vụ việc mà tiến độ vẫn chậm. "Nay vào có thêm kênh KTNN với đầy đủ cán bộ có chuyên môn, hoạt động độc lập, khách quan, hoàn toàn đủ điều kiện để thực hiện công tác này", đại biểu nêu nhận định.
Đại biểu Nguyễn Thái Học đoàn Phú Yên phát biểu. |
Tuy nhiên, không đồng tình, đại biểu Nguyễn Mai Bộ đoàn An Giang cho rằng, KTNN là cơ quan của Quốc hội, thực hiện chức năng giám sát, không có chức năng quản lý Nhà nước. "Nếu KTNN phát hiện án tham nhũng chuyển hồ sơ cơ quan điều tra sau đó, CQĐT khởi tố vụ án. Đến lúc này lại giao lại cơ quan kiểm toán thì kết luận có đảm bảo khách quan không?", ông Bộ đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương, Uỷ viên Uy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng nhận định việc bổ sung thêm chức năng giám định tư pháp cho KTNN sẽ dẫn đến sự trùng lặp trong chức năng nhiệm vụ, không tuân thủ nguyên tắc chức năng của các tổ chức. "Một việc chỉ một cơ quan làm thôi, xu hướng cứ cơi nới thẩm quyền như thế là không đúng", đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu đề nghị làm rõ việc lập phòng giám định tư pháp thuộc VKSNDTC
Tiếp mạch thảo luận, ông Hồng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội dung thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) được nêu trong Khoản 4 Điều 12 của dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng phát biểu. |
Ông Hồng đặt vấn đề, VKSNDTC hiện có cơ quan điều tra trực thuộc thì cơ quan này do ai giám sát. Trường hợp thành lập thêm phòng giám định tư pháp thuộc VKSNDTC như vậy rất khó đảm bảo được tính hợp lý.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đoàn Nam Định cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ lý do thay đổi quan điểm, khi mà việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC không xuất hiện trong dự thảo luật kỳ trước rồi mới đây lại được bổ sung vào.
Theo đại biểu, trong năm 2019, cơ quan điều tra của VKSNDTC giải quyết 41 vụ án hình sự. Đây là con số không lớn và không phải vụ án nào cũng cần giám định tư pháp. Như vậy, việc thành lập mới một đơn vị chịu trách nhiệm này liệu có hợp lý khi mà có thể làm tăng biên chế, tốn kém tiền của Nhà nước, mất thời gian.
"Việc bổ sung cơ quan này vào dự thảo luật có thực sự hợp lý và cần thiết, có phù hợp với cơ sở lý luận thực tiễn, thông lệ quốc tế không? Việc bổ sung này có dẫn đến lãng phí, có làm phân tán nguồn lực con người, cơ sở vật chất và có trái tinh thần Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị Trung ương 6 về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không?", đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị nghiên cứu kỹ về tính hiệu quả của cơ quan này.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa phát biểu. |
Trước đó, chiều 19-11, trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban Tư pháp có hai luồng ý kiến về bổ sung quy định "Phòng giám định kỹ thuật hình sự" thuộc VKSNDTC, trong đó luồng ý kiến thứ nhất tán thành như dự thảo luật.
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai thì nhận định, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành luật, hồ sơ dự án luật thì lại chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công an, việc giám định loại việc nói trên của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an không có vướng mắc gì lớn. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa nên đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung lần này.