ĐBQH: Tạo ra những vị tướng bản lĩnh, tài năng và có kinh nghiệm thực tế

Thứ Ba, 06/11/2018, 19:10
 Thảo luận về dự án Luật CAND (sửa đổi) chiều nay, 6-11, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.


ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng: “Với những cải tổ trong bộ máy ngành Công an hiện nay thì việc quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố có trần quân hàm Thiếu tướng tôi cho là hợp lý và cần thiết, nhằm tạo ra những vị tướng trong thời bình thực sự bản lĩnh, tài năng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ địa phương”.

ĐBQH Cao Đình Thưởng

Đại biểu lý giải, Giám đốc Công an tỉnh quản lý nhiều đầu mối, quân số lên tới hàng nghìn người nhưng nếu trần cấp hàm chỉ là Đại tá thì không hợp lý. Quan điểm của Bộ Công an là không làm tăng thêm số lượng người có quân hàm cấp tướng nhưng theo quy định hiện hành, Giám đốc Công an tỉnh có chức vụ tương đương Cục trưởng, được quy hoạch, đề bạt trực tiếp lên Thứ trưởng, còn các Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải được luân chuyển về địa phương để đảm bảo theo quy định.

“Nếu hai cấp bậc hàm này mà vênh nhau thì rất khó luân chuyển và thực hiện chế độ chính sách” – ông nói. Đại biểu đề nghị thêm Giám đốc Công an một số địa phương có vị trí chiến lược, phức tạp và quan trọng về an ninh, trật tự (ANTT) cũng có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng. Quy định như thế sẽ xác định đúng vị thế và nâng cao trách nhiệm của Giám đốc Công an tỉnh trong thời kỳ mới.

ĐBQH Nguyễn Văn Được (Hà Nội) cũng ủng hộ quy định cấp bậc hàm cấp tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh nhưng đề nghị quy định chặt chẽ số lượng theo quy định của Chính phủ, bảo đảm chất lượng. “Phong tướng để cầm gậy chỉ huy quân. Địa bàn nào trật tự trị an phức tạp, ma tuý nhiều, phản động nhiều thì cần phong tướng” – ông nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đã nêu ra những chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh, đồng thời khẳng định khối lượng công việc của Công an cấp tỉnh chiếm tới 80% tổng khối lượng công việc của lực lượng CAND. Vì vậy, Giám đốc Công an tỉnh sẽ có quyền hạn lớn hơn và trách nhiệm nặng nề hơn.

Mặt khác, trong hệ thống chức vụ sĩ quan CAND, Giám đốc Công an tỉnh được xác định là cấp dưới liền kề có thể quy hoạch, bổ nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công an. “Do đó, tiêu chuẩn chức danh, cấp bậc hàm của Giám đốc Công an tỉnh phải bảo đảm tương quan, tương đối với chức danh Cục trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ” – ông nói.

“Hơn nữa, yêu cầu đặt ra khi bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an thì cán bộ có thời gian đảm nhận chức vụ Giám đốc Công an tỉnh để rèn luyện tư cách. Vì vậy nếu chức vụ Giám đốc Công an tỉnh không có bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng sẽ khó khăn, không thể luân chuyển được cán bộ cấp Cục cấp bậc hàm Thiếu tướng về làm Giám đốc Công an tỉnh” – đại biểu nêu quan điểm.

Khoản d, Điều 25 dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với: Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương, trừ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; Phó Cục trưởng và tương đương của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Số lượng không quá 139; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I, trừ quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Số lượng không quá 11.



Quỳnh Vinh
.
.
.