Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - một chân lý lịch sử

Thứ Sáu, 01/05/2015, 13:30
Cách đây đúng 40 năm, với thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi trọn vẹn. Chiến công oanh liệt đó là trang sử vàng chói lọi bậc nhất trong lịch sử dân tộc, đi vào lịch sử nhân loại như một sự kiện chính trị vươn tới tầm vóc thời đại.

Với ý nghĩa trọng đại của thắng lợi to lớn này, có thể khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một chân lý lịch sử. Chân lý đó sẽ tồn tại mãi mãi cùng dân tộc.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng không chỉ là thắng lợi về quân sự, đó là thắng lợi tổng hợp của nhiều mặt trận: chính trị, ngoại giao, pháp lý… Thế nhưng, trong không gian ảo, vì những lý do khác nhau, một số kẻ đã trắng trợn xuyên tạc, phủ nhận thắng lợi vĩ đại này của dân tộc ta. Có kẻ xuyên tạc rằng: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “nồi da nấu thịt”, là cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”, “miền Bắc xâm lược miền Nam”… Gần đây, có kẻ liều lĩnh cho rằng 70 năm qua, kể từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam) ra đời đến nay, trong đó có cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là “thời gian bị đánh mất trong lịch sử”(?!).

Bộ đội giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập.

Khung thời gian của lịch sử Việt Nam (trong thế kỷ XX) theo tác giả bài báo liều lĩnh xuyên tạc nêu trên chỉ gồm “4 tháng” tồn tại  của chính phủ Trần Trọng Kim. Tiếp đến, là thời gian tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Không thể phủ nhận được thực tế, ông này ngang ngược viết: “Mặc dù đây là một chính quyền thân Mỹ nhưng nó đảm bảo những yếu tố cơ bản của một Nhà nước Cộng hoà. Ở một khía cạnh nào đó có thể xem nền Cộng hoà ở miền Nam là sự kế tục nền Cộng hoà… của Thủ tướng Trần Trọng Kim”! Như vậy, với tác giả bài báo, tất cả thời gian mà Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước không được ghi nhận trong lịch sử dân tộc!

Có thể nói, người đưa ra quan điểm và bình luận nêu trên là biểu hiện của chứng hoang tưởng chính trị.

Trước hết, về mặt lịch sử dân tộc, tác giả của quan điểm nêu trên đã “quên” 3/4 lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX không chỉ với ý nghĩa giành lại được độc lập dân tộc mà còn mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam: Đó là thời đại độc lập dân tộc gắn với quyền làm chủ Nhà nước và xã hội của nhân dân. Đó là thời đại dân tộc ta đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới…

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã để lại những ký ức tự hào cho dân tộc ta không chỉ ở những số liệu, sự kiện, không chỉ ở tư tưởng mang giá trị chân lý của thời đại trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà đôi khi chỉ là những chi tiết tưởng như “vụn vặt” nhưng thể hiện phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Ngày 30/4/1975, người dân Sài Gòn nô nức xuống phố đón chào đoàn quân Giải phóng.

Chẳng hạn như phong thái và bản lĩnh chính trị của đồng chí Lê Đức Thọ (khi đó là cố vấn của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa) khi ký Hiệp định Paris. Sau khi ký tắt Hiệp định Paris về Việt Nam (ngày 23/1/1973), đồng chí Lê Đức Thọ đã cầm cây bút vừa ký đưa Kissingger (Ngoại trưởng Hoa Kỳ) và nói: “Tôi tặng lại ông cây bút này - và xin ông nhớ cho,  ký rồi phải giữ lấy lời nhé!”. Hoặc câu đáp trả đanh thép Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu tại Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Khi Vũ Văn Mẫu nói: “Chúng tôi đang đợi các ông để bàn giao” thì Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66, nói: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện! Các ông không còn gì để bàn giao”!…

Thứ hai, về tính chất và ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với dân tộc ta, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chính nghĩa, cuộc chiến tranh bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Không phủ nhận rằng trong cuộc chiến tranh không cân sức này, dân tộc ta đã huy động sức mạnh của thời đại, sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, không phân biệt ý thức hệ, chế độ chính trị, trong đó có cả nhân dân Mỹ. Đây là sức mạnh “mềm” được tạo ra bởi đường lối chiến tranh nhân dân và sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong không gian mạng, vẫn còn có kẻ cho rằng: Chiến tranh Việt Nam là “cuộc chiến tranh ý thức hệ”(?!). Đây là sự xuyên tạc với ý đồ chính trị xấu. Trong cuốn sách “Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam” của Robert S.McNamara (xuất bản năm 1995) đã thừa nhận cuộc chiến tranh này là một sai lầm khủng khiếp của Hoa Kỳ.

Trong những sai lầm mà S.McNamara đề cập đến, ông này đã nói lên sự thật rằng: Hoa Kỳ đã không nhận thức đúng được đây là một cuộc chiến tranh với sức mạnh của “chủ nghĩa dân tộc” Việt Nam. Ông này viết: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”! Cũng trong cuốn sách này, S.McNamara đã viết: “Chúng ta không có quyền tối cao để định hình mọi dân tộc theo hình ảnh của chính chúng ta, hoặc theo hình ảnh mà chúng ta chọn”!

Về mặt pháp lý quốc tế, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã làm rõ thêm quyền dân tộc tự quyết. Nếu như quyền dân tộc tự quyết trong pháp luật quốc tế trước đây chỉ nói đến quyền tự quyết về chế độ chính trị, quyền quyết định về thể chế kinh tế… thì với Hiệp định Paris, đó còn là quyền về sự “thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ” - Điều 1, chương I, Hiệp định Paris về Việt Nam.

Có kẻ còn cho rằng những người rời khỏi Việt Nam, khi quân giải phóng  mở cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, đã bỏ mình trên biển là do chế độ “cộng sản”! Những người sống ở Sài Gòn khi đó còn nhớ Đài phát thanh của ngụy quyền Sài Gòn ra rả nói rằng “sẽ có tắm máu” khi Việt cộng vào thành phố! Rút cuộc chẳng thấy tắm máu đâu, người ta chỉ thấy “thuyền nhân” tử nạn trên biển do bộ máy tuyên truyền của ngụy quyền Sài Gòn lừa gạt. Tác giả bài báo lại “quên” rằng hàng triệu người dân vô tội đã bị chết bởi bom đạn của Mỹ và tay sai, và cũng “quên” luôn hàng triệu nạn nhân chất độc da cam do máy bay Mỹ - ngụy “rải thảm” xuống làng quê Việt Nam…!

Thứ ba, về chế độ xã hội từ 1945 đến nay, có kẻ cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã biến cả nước thành một nhà tù khổng lồ, nơi mà an ninh theo dõi kiểm soát, chi phối từng hoạt động của mỗi người… Một chế độ bất nhân và vong bản, chỉ đáp ứng ít nhiều về vật chất nhưng hoàn toàn giam hãm tư tưởng của con người trong một học thuyết ngoại lai, không tưởng: học thuyết Mác-Lenin”.

Không phủ nhận rằng trong gần 3/4 thế kỷ qua, sự lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong điều kiện “thù trong, giặc ngoài”, đã phạm phải sai lầm nào đó, do bệnh giáo điều về lý luận hoặc học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài một cách máy móc… nhưng không ai phủ nhận được chân lý lịch sử:  (1) Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước là thành quả  của dân tộc ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo!

(2) Chế độ chính trị của Việt Nam đã có những thay đổi cơ bản, từ khi Đảng thực hiện đường lối đổi mới (từ 1986). Đến nay, Việt Nam đang xây dựng chế độ hướng tới mục tiêu: Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Về xã hội Việt Nam, Chương II, Hiến pháp 2013 đã quy định ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người được ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm.

(3) Về kinh tế, Việt Nam hiện đang hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là nền kinh tế trong khi tuân thủ quy luật thị trường, vẫn hướng tới lợi ích của cả xã hội chứ không phải nhằm bảo đảm quyền làm giầu cho một số ít người. Đó cũng không phải là chính sách kinh tế “vỗ béo để làm thịt” như có kẻ từng hù dọa. Hiện nay, Việt Nam đang là thị trường có sức thu hút đầu tư hàng đầu ở Đông Nam Á.

(4) Về đối ngoại, vị trí và vị thế của nước CHXHCN Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Tới thời điểm này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia với nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia. Việt Nam đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cho dù Việt Nam hiện tại còn có những khó khăn, kinh tế chưa phát triển, song việc phủ nhận chân lý lịch sử - phủ nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta là điều hoang tưởng.

Vọng Đức
.
.
.