Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc sẽ không còn mờ nhạt trong sách giáo khoa mới
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố vào cuối năm 2018, môn Lịch sử sẽ được thiết kế lại với nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Theo đó cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (17-2-1979) sẽ được đưa vào chương trình sách giáo khoa (SGK) mới một cách đầy đủ hơn.
GS Sử học Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình GDPT mới cho biết: Chương trình SGK giáo dục phổ thông mới môn Lịch sử sẽ viết chi tiết, đầy đủ và cẩn trọng về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc cũng như các cuộc chiến có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Theo GS Phạm Hồng Tung, nội dung về hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ được trình bày ở lớp 9, trong mạch nội dung “Việt Nam trong những năm 1976-1991”.
Riêng ở cấp THPT, Lịch sử được tổ chức dạy và học với tư cách là một môn học độc lập. Các nội dung giáo dục sẽ được tổ chức thành những chủ đề và chuyên đề. Lịch sử hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc sẽ tiếp tục được trình bày trong khuôn khổ của chủ đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay)”. Chủ đề này sẽ được tổ chức dạy và học ở lớp 12.
Ngoài ra, lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở Biển Đông cũng sẽ được trình bày kĩ hơn trong ba chủ đề: “Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông” (lớp 11) và “Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” và “Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam” (lớp 12).
GS Phạm Hồng Tung cũng cho rằng, với cách thức cấu trúc nội dung như vậy, lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong đó có cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ được đề cập đến ít nhất là 2 lần ở cấp THCS và THPT với mức độ và cách tiếp cận khác nhau. Và cũng theo cách này, học sinh sẽ được tìm hiểu lịch sử thuận lợi, sâu sắc hơn.