Cục Hàng không Việt Nam công bố nguyên nhân sự cố máy bay "hạ nhầm" đường băng
- Máy bay “hạ cánh nhầm” đường băng tại Cam Ranh
- Vietnam Airlines xin lỗi hành khách về sự cố hạ cánh nhầm
Theo đó, về hậu quả của sự cố, tổ công tác nhìn nhận: Tất cả hành khách đều an toàn và không gặp vấn đề về sức khỏe. Đối với tàu bay, động cơ số 1 bị hư hỏng các tầng cánh quạt, miệng hút do hút các vật ngoại lai (sỏi, đá, các tấm, mảnh tôn). Các phần chính của động cơ bao gồm máy nén, buồng đốt, turbine đang được soi và tiếp tục đánh giá; các cánh tà trước của cánh trái bị hư hỏng nhẹ. VNA đang tiếp tục kiểm tra và đánh giá hỏng hóc của máy bay (nếu có). Không có thiệt hại đối với hạ tầng và trang thiết bị của sân bay.
Theo kết luận sơ bộ của Tổ điều tra, nguyên nhân chính của sự cố là do sau khi thực hiện phương thức tiếp cận RNAV đầu 20 của đường cất hạ cánh (CHC), tàu bay đã đối chuẩn với đường CHC số 1 đang sử dụng, tuy nhiên tổ lái lại xác định đây là đường lăn và xác định đường CHC số 2 đang xây dựng là đường CHC khai thác. Bên cạnh đó, tổ lái cũng chưa tìm hiểu kỹ về sơ đồ sân bay và không thực hiện tốt phương thức hạ cánh bằng mắt (không tham chiếu đến đèn dẫn đường PAPI khi thực hiện phương thức hạ cánh bằng mắt).
Tổ điều tra cũng đánh giá, việc tổ lái đã quyết định tiếp tục hạ cánh sau khi máy bay tiếp đất là phù hợp và nhanh chóng điều khiển tàu bay dừng khẩn cấp, tránh chướng ngại vật và đưa máy bay dừng lại trên đường CHC. Ngoài ra, Tổ điều tra cũng đưa ra các yếu tố khách quan tác động dẫn đến sự cố, đó là mặc dù đường CHC số 2 đã thể hiện không sử dụng (gạch chéo) trên sơ đồ sân bay, tuy nhiên các dấu sơn, kẻ trên đường CHC đang xây dựng cơ bản hoàn thiện dễ gây nhầm lẫn cho tổ lái. Các hoạt động quan sát từ Đài kiẻm soát không lưu chưa được thực hiện đầy đủ để cảnh báo, hỗ trợ kịp thời cho tổ lái trong giai đoạn tiến sát đến đầu đường CHC và tiếp đất.
Sau khi sự cố xảy ra và có kết luận sơ bộ, Cục HKVN đã ban hành Chỉ thị về việc đảm bảo an toàn. Theo đó, đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cục yêu cầu người lái tăng cường công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo có đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay, nghiên cứu kỹ sơ đồ của sân bay hạ cánh; trong quá trình bay, khi điều kiện cho phép, phải liên lạc sớm với Đài KSKL của sân bay đến để lấy thông tin khí tượng, phương thức và đường hạ cánh để có đầy đủ thời gian chuẩn bị. Yêu cầu người lái phải tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra chéo các thông tin quan trọng, đặc biệt như các huấn lệnh ATC, phương thức tiếp cận, thông tin đường CHC, đường lăn được sử dụng trong quá trình bay. Nghiêm túc thực hiện đầy đủ công tác hội ý tổ lái (briefing) về phương thức cất, hạ cánh và các phương thức đặc biệt khác. Tăng cường tổ chức huấn luyện nhằm nâng cao năng lực nhận thức, đánh giá tình huống cho người lái.
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Đài KSKL Cam Ranh: tăng cường công tác giám sát hoạt động của tàu bay trong giai đoạn tiếp cận, hạ cánh cho đến khi tàu bay thoát ly khỏi đường CHC để có cảnh báo kịp thời ngăn ngừa các sự cố tương tự có thể xảy ra. Tăng cường sử dụng hiệu quả thiết bị đầu cuối hệ thống giám sát ADS-B, bổ sung trục tim đường CHC kéo dài 7-8 NM trên màn hình giám sát để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho tổ lái khi có sai lệch lớn so với trục đường CHC. Khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đưa vị trí kiểm soát tiếp cận tại Đài KSKL Cam Ranh vào khai thác theo kế hoạch đã được Cục HKVN phê duyệt từ ngày 16-8-2018… Đối với các đơn vị khác phải thực hiện công tác giảng bình, phổ biến rút kinh nghiệm liên quan đến sự cố cho tất cả người lái tàu bay, kiểm soát viên không lưu và nhân viên liên quan; báo cáo kết quả thực hiện về Cục HKVN trước ngày 10-5-2018.
Đặc biệt, đối với Tổ điều tra sự cố: Cục Hàng không cũng yêu cầu tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra sự cố tai nạn tàu bay BEA - Pháp (quốc gia sản xuất tàu bay) để sớm có kết luận chính thức công tác điều tra sự cố theo quy định của Phụ ước 13 - Công ước Chicago làm cơ sở để thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.