Cử tri lo ngại tham nhũng chỉ được xử lý khi có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư
- Tổng Bí thư: Lò nóng rực lên rồi, chống tham nhũng không thể bỏ lửng
- Chống tham nhũng - không được nhụt chí!
Sáng nay, 15-5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục họp Phiên thứ 24, cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh trình bày báo cáo cho biết, chuẩn bị kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Cử tri và Nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội .
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 tiếp tục có chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Toàn cảnh phiên họp |
Về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri và Nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu.
“Tuy nhiên, nhiều vụ việc chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự “vào cuộc”, có biểu hiện né tránh và kết quả thực hiện chưa rõ nét”, ông Lềnh cho hay.
Cử tri và Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của cả hệ thống chính trị. Đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và thể hiện trách nhiệm “nêu gương” để cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Bên cạnh đó, nhân dân đánh giá cao nỗ lực, sự quyết tâm đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của các cơ quan chức năng trong thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân nhiều địa phương còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình tệ nạn xã hội, sử dụng và mua bán ma túy vẫn diễn ra phức tạp, nhiều vụ trọng án giết người gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo cáo đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các bộ, ngành và chính quyền địa phương có các biện pháp kiên quyết và kịp thời đấu tranh phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; đồng thời quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức pháp luật của người dân và cộng đồng.
Công tác bảo đảm an ninh mạng, quản lý công nghệ thông tin còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót, tạo kẽ hở để tội phạm công nghệ “trục lợi” cá nhân; tình trạng đánh bạc qua mạng internet với số lượng tiền hàng ngàn tỷ đồng diễn ra nhiều năm mà không bị phát hiện.
Báo cáo cũng đề nghị Bộ Công an tiếp tục tăng cường công tác quản lý thông tin, bảo đảm an ninh mạng, khẩn trương rà soát, chấn chỉnh để chấm dứt tình trạng này.