Xem lại việc “tăng thuế cao” bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Thứ Hai, 22/05/2017, 07:57
Phát biểu mới đây của ông Phan Thế Ruệ  - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu về việc thuế, phí xăng dầu nên giữ ở mức trên 50% và nộp thuế xăng dầu là trách nhiệm của công dân với đất nước đang gây tranh cãi lớn trong dư luận. 


Nộp thuế đúng là nghĩa vụ của công dân, nhưng ngay tại buổi hội thảo đó, một số chuyên gia cho rằng, muốn đảm bảo ngân sách, tận thu ngay từ nguyên liệu đầu vào cũng không phải là cách tốt, dù dễ làm với Bộ Tài chính.

Phát biểu quan điểm của mình về chuyện tăng thuế vì lý do ngân sách, ông Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh: “Tôi nghĩ quan điểm làm tài chính phải tổng quát hơn. Làm giá những sản phẩm đầu vào của nền kinh tế thì phải có 3 vòng, chứ ông “chặn” ông “ăn” ngay từ vòng 1 là bất ổn.

Tư tưởng thu của tài chính phải là thu bền vững, tức đầu vào thu ít thôi, để vòng 2 tác động tích cực đến sản xuất -  thuế giảm thì người ta sẽ sản xuất nhiều hơn, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn, sản xuất phát triển, công ăn việc làm được giải quyết... rồi vòng 3 ta mới thu (có thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, VAT...) nó mới bền vững. Nuôi dưỡng nguồn thu chính là như thế.

Việc tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vẫn gây tranh cãi vì Bộ Tài chính chưa đưa ra được lý lẽ thuyết phục.

Về ngân sách phải tính một cách chi tiết, cụ thể để bảo đảm nguồn thu ngắn hạn, chứ xem xét riêng thu xăng dầu tách ra khỏi nền kinh tế thì cũng chưa thỏa đáng”. Đồng quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí của nhiều doanh nghiệp, do đó, Nhà nước sẽ thu được nhiều hơn do hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt. Tăng thuế là con đường trước mắt phải giải quyết, nhưng giảm thuế để giảm chi phí là con đường tạo ra nguồn thu lâu dài.

Đây không phải lần đầu quan điểm này được đưa ra. Tại văn bản góp ý về dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc kỹ, bởi chi phí xã hội của việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là rất lớn.

Văn bản góp ý của một số bộ, hay thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc đến vấn đề này, vì tác động lớn của nó đến đời sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính hầu như bỏ ngoài tai đề xuất này, với lập luận cho rằng, đây chỉ là tăng khung thuế, còn mỗi lần điều chỉnh một mức thuế cụ thể. Bộ này sẽ tính toán tác động để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến lúc đó sẽ tính toán... một thể.

Quan điểm làm chính sách một cách qua quýt này đương nhiên không thể nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, những người đang đứng trước khả năng phải móc túi chi thêm cho xăng dầu một khoản không nhỏ.

Vấn đề chính sách thuế nói chung, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nói riêng cũng đã thu hút được chú ý của cử tri cả nước. Trong kiến nghị gửi Quốc hội, cử tri đồng tình phải thu thuế để có tiền nuôi bộ máy nhà nước, đầu tư phát triển, đầu tư các công trình phúc lợi xã hội... Tuy nhiên, Chính phủ cần nghiên cứu, xem lại việc thu thuế cao đối với các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; bởi thuế cao, các doanh nghiệp sẽ đưa vào giá thành sản phẩm, đồng nghĩa người tiêu dùng phải chịu, nhất là những hộ có thu nhập thấp.

Đề nghị nghiên cứu có giải quyết phù hợp vừa đảm bảo ngân sách nhà nước (NSNN), vừa đáp ứng được đa số nguyện vọng của cử tri. Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính cũng đề cập riêng đến thuế bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh: Theo quy định tại Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10-3-2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 về biểu thuế bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1-5-2015, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít (tăng 2.000 đồng/lít); các mặt hàng xăng dầu khác tăng lên tương ứng; riêng dầu hỏa giữ như cũ.

“Việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên là đảm bảo nằm trong khung thuế do Quốc hội quy định và thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời là nhằm ứng phó với tình hình giá dầu giảm và duy trì ở mức thấp; khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng E5, E10); đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi giá dầu trên thế giới giảm và thực hiện cam kết quốc tế về thuế nhập khẩu cũng như hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu” – Bộ Tài chính lý giải.

Đồng thời, Bộ này cũng cam kết: “Để việc tăng thuế bảo vệ môi trường không dẫn đến tăng tỷ lệ thuế trong giá bán xăng dầu cũng như tăng giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu cùng với việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường”.

Tuy nhiên, cam kết này chưa có cơ sở đảm bảo, bởi khung thuế bảo vệ môi trường được đề xuất cao hơn nhiều so với lộ trình giảm thuế nhập khẩu. Một số bộ đã có góp ý Bộ Tài chính xây dựng lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường song song với lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để tăng tính thuyết phục, nhưng Bộ này vẫn chưa thực hiện.

Vũ Hân
.
.
.