Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với nước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Đầu năm 1947, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 về đảm bảo chế độ hưu bổng thương tật đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây là Sắc lệnh đầu tiên về chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công; một sự kiện quan trọng trong chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta nhằm tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của các thương binh, liệt sĩ, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.
Hơn 30 năm qua, kể từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, công tác chăm lo, “đền ơn đáp nghĩa” đối với người và gia đình có công với cách mạng được quan tâm đặc biệt và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Chế độ ưu đãi không ngừng mở rộng và nâng cao, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua mỗi thời kỳ.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. |
Các bà mẹ Việt Nam anh hùng được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, phụng dưỡng đến hết đời; các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa được quan tâm chăm lo mọi mặt trong cuộc sống, được ưu đãi về nhà ở, đất ở; thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công được chăm lo mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần; con em của người có công được quan tâm đặc biệt trong giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm…
Bằng chính sách của Nhà nước, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng và bản thân đối tượng chính sách tự vươn lên, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công ngày càng phát triển vững chắc, góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.
Tuy nhiên, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công còn nhiều vấn đề có tác động đến tâm lý, tình cảm của hàng triệu người, liên quan đến việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công là phải bám sát thực tiễn, giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh, bảo đảm cho các đối tượng chính sách phải được hưởng thụ đúng, đủ ưu đãi của Nhà nước; khắc phục có hiệu quả những biểu hiện tiêu cực trong tổ chức thực hiện phong trào. Điều đó nhằm đẩy mạnh hơn phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình chính sách, nhất là các gia đình sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng trước đây bị chiến tranh tàn phá nặng nề, vùng thường xuyên bị thiên tai, cuộc sống còn khó khăn.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa chính sách xã hội đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cần làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, tiếp tục giải quyết có hiệu quả các tồn đọng chính sách trong chiến tranh theo quy định hiện hành. Theo đó, thực hiện chặt chẽ, chu đáo các chế độ đối với người bị thương, bị bệnh, thân nhân các liệt sĩ; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và trên các nước bạn (Lào, Campuchia). Đặc biệt, biên giới phía bắc và biển đảo Việt Nam, các đơn vị phải đề cao trách nhiệm, tính chủ động của cấp ủy, chỉ huy và vai trò của cán bộ các cấp và chính quyền các địa phương, đơn vị làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ; Mặt khác, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng.
Cùng với đó, ngành chính sách của các đơn vị, địa phương chủ động hướng dẫn, triển khai thực hiện Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc xác nhận người có công, thực hiện các chế độ ưu đãi mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, đặc biệt chú trọng đến các chế độ ưu đãi... các văn bản quy phạm pháp luật về công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc sức khỏe…cho người có công.
Hai là, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị và cấp ủy chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, định hướng cải cách chính sách của Nhà nước; đồng thời chủ động xác định kế hoạch, giải pháp thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương cần gắn công tác này với nhiệm vụ chính trị được giao; chú ý kết hợp chặt chẽ với công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị-xã hội địa phương vững mạnh.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa phong trào “đền ơn đáp nghĩa” trong nền kinh tế thị trường. Không ngừng nâng cao nhận thức xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ về tình cảm, đạo lý, trách nhiệm đối với người và gia đình có công với Tổ quốc, với nhân dân. Khơi dậy và phát huy phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, thu hút, tập hợp nhiều nguồn lực vật chất, tinh thần của đồng bào ta cùng với Nhà nước chăm lo người có công.
Riêng đối với các liệt sĩ cần “tiếp tục tổ chức tốt việc thông báo, thông tin về mộ liệt sĩ đến thân nhân gia đình liệt sĩ. Tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ hiện có; xây dựng và từng bước hoàn thiện các thiết kế tri ân liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ) ở cấp xã, cấp huyện bằng nguồn ngân sách do Nhà nước bảo đảm, kết hợp với các nguồn xã hội hóa...”
Thực hiện tốt quy chế quản lý và sử dụng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Quỹ phải thu hút đầy đủ sự đóng góp theo nghĩa vụ đồng thời kêu gọi được sự đóng góp tình nghĩa của mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài…, công khai, minh bạch. Đây là yếu tố chủ đạo, mang lại hiệu quả tốt trong những năm qua cần kế thừa, chủ động, linh hoạt phát huy trong gia đoạn mới.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra bảo đảm sự trong sáng, giàu đạo nghĩa dân tộc thể hiện tốt sự trân trọng, biết ơn, tôn vinh, đền ơn đáp nghĩa người và gia đình có công với Đảng, với Tổ quốc và nhân nhân. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện các chính sách ưu đãi người có công đã xuất hiện tiêu cực, tham nhũng, hiện tượng xác lập hồ sơ giả để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước.
Phải tiếp tục phát hiện và phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để không gây bức xúc dư luận, làm xói mòn lòng tin của người dân đối với Đảng, chế độ. Ưu đãi xã hội phải minh bạch và trong sạch mới là đạo nghĩa đúng đắn của Đảng, của dân tộc ta.
Chiến tranh đã để lại hậu quả rất nặng nề đối với đất nước, nhân dân và dân tộc ta nói chung, với các đối tượng chính sách nói riêng. Những tồn đọng về chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng cần phải tiếp tục giải quyết là rất lớn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước; tiếp tục nghiên cứu một cách cụ thể, tỉ mỉ để có những chủ trương, giải pháp thiết thực nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội cùng thực hiện tốt chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong tình hình mới.