Công khai các thông tin về quy hoạch đất đai để người dân giám sát

Thứ Ba, 28/05/2019, 08:50
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 27-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.


Theo báo cáo của Chính phủ, các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất đô thị nói riêng đã được hoàn thiện đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng; phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vấn đề giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi và tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách là nội dung được nhiều đại biểu tập trung phân tích, cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề cập tình trạng nhiều tỷ phú về đất ôm nhiều “đất vàng, đất kim cương” tại các khu đất đô thị và tương lai là đô thị, đồng thời thâu tóm hàng ngàn hécta đất màu mỡ khác chờ thời. Các dự án này cũng là tài sản thế chấp ngân hàng mà thực chất giá trị từ đất là doanh nghiệp thuê đất trả tiền hằng năm, không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) khẳng định, từ góc nhìn của video clip và báo cáo của đoàn giám sát có thể thấy, lần đầu tiên quản lý đất đai được soi rọi toàn diện, sâu sắc. Nhưng điều quan trọng là sau tất cả những gì đã chỉ mặt, đặt tên thì các vụ việc nêu trên bao giờ bị xử lý và xử lý thế nào để không tái diễn?

“Từ những vi phạm lớn điển hình như dự án 8B Lê Trực, cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam hay việc xà xẻo các mảnh “đất vàng” tại các đô thị lớn, có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng, phần chìm của nó vốn là những vụ việc có tính chất phức tạp hơn mà không ít trong số đó từng hiện diện trên mặt báo, nhưng chưa được nhắc trong báo cáo lần này còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhận định.

Còn tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau

ĐBQH Đinh Duy Vượt cũng đề cập đến tình trạng việc giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát, thậm chí liều, không tuân thủ pháp luật. “Cử tri hoài nghi có hay không “lợi ích nhóm”, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền, theo đó lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất”, đại biểu nêu. Đồng thời, lợi dụng cơ chế “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiêp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích Nhà nước, nhân dân, tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín.

Có dự án quy hoạch 27 năm chưa thực hiện

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lý dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đối với các vùng đất quy hoạch lâu dài chưa thực hiện ngay được cần di dời người dân để tạo quỹ đất “sạch” hoặc có chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo, tách hộ.

Ông đánh giá, đây cũng là vấn đề rất bức xúc liên quan đến quy hoạch đất từ Trung ương đến địa phương và người dân ở vùng đất quy hoạch này không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá. “Có dự án như dự án khu Bình Quế, Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh liên quan đến gần 4.000 hộ dân, gần 15.000 nhân khẩu có chủ trương quy hoạch từ năm 1992 đến nay đã 27 năm chưa thực hiện”, đại biểu Hoàng Quang Hàm lấy ví dụ.

Để hạn chế tình trạng chậm triển khai dự án, dẫn đến dự án treo, quy hoạch treo, ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) đề nghị cần quy định rõ thời gian phải triển khai, hoàn thành triển khai dự án quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng, trong đất có khu đô thị. Có chế tài quy định rõ ràng trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại chậm, không triển khai dự án quy hoạch gây ra. Phát biểu thảo luận tại hội trường, về khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, một trong các biện pháp là công khai các thông tin về quy hoạch đất đai để người dân biết, tham gia giám sát.

Bốn Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn về 4 nhóm vấn đề

Chiều 27-5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trao đổi với phóng viên báo chí về nội dung liên quan đến chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, qua quy trình lựa chọn nhóm các vấn đề chất vấn, trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri, các Đoàn ĐBQH chuyển về, Tổng Thư ký Quốc hội chọn ra 9 nhóm vấn đề.

Trên cơ sở 9 nhóm này, Văn phòng Quốc hội gửi xin ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, sau đó chọn ra 6 nhóm báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). “UBTVQH đã chọn ra 5 nhóm. Sáng nay (27-5) chúng tôi có gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về 5 nhóm: An ninh trật tự; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Thanh tra; Xây dựng; Giao thông vận tải”, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc nói. Qua việc tổng hợp, Tổng Thư ký Quốc hội đã chọn được 4 nhóm vấn đề mà ĐBQH lựa chọn nhiều nhất, gắn với 4 Bộ trưởng sẽ tham gia trả lời chất vấn.

Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh trật tự, nổi lên là công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”... và một số nội dung khác...

Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Cùng tham gia giải trình có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Giao thông Vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án Toà án nhân dân Tối cao.

Nhóm thứ hai được nhiều ĐBQH quan tâm là lĩnh vực xây dựng. Nội dung gồm: Vấn đề quản lý thị trường bất động sản; xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp nơi lưu trú. Công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô TP Hà Nội. Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Tư pháp; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng tham gia giải trình những vấn đề liên quan.

Nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải gồm: Xử lý những vấn đề vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là những công trình giao thông trọng điểm đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém. Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; quản lý xe hợp đồng, điện tử; đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới. Thực hiện quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên các tuyến quốc lộ, cao tốc;  trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trách nhiệm giải trình chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Nhóm thứ tư liên quan văn hoá, thể thao và du lịch… Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Cùng trả lời có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội Vụ, Công an… “Cuối cùng đồng chí Thủ tướng Chính phủ, hoặc có thể phân công đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời về tất cả các nhóm vấn đề mà đại biểu chất vấn liên quan đến công tác điều hành chung của Chính phủ” – Tổng Thư ký Quốc hội cho hay.

Mẹ nữ sinh giao gà nằm trong đường dây ma tuý với các đối tượng sát hại con gái

Sáng 27-5, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã trao đổi với báo chí xung quanh vụ án nữ sinh Cao Mỹ Duyên (SN 1997) bị sát hại khi đi giao gà dịp Tết; cũng như việc khởi tố, bắt tạm giam mẹ Duyên là bà Trần Thị Hiền (SN 1975, trú tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) để điều tra, làm rõ về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý.

“Cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan CSĐT có căn cứ để kết luận, vợ chồng Vì Văn Toán, các đối tượng Bùi Văn Công, Lường Văn Hùng và Trần Thị Hiền là một đường dây buôn bán trái phép chất ma túy. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc Cao Mỹ Duyên bị sát hại”, Thiếu tướng Sùng A Hồng nói. Theo Thiếu tướng, đường dây ma túy này đã hoạt động từ lâu và một số đối tượng trong đường dây đã bị xử lý. Về câu hỏi, bà Hiền đã khai nhận hành vi của mình như thế nào, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, hiện cơ quan CSĐT mới khởi tố, bắt tạm giam bà này nên cần có thêm thời gian để làm rõ.

Về việc có hay không mâu thuẫn giữa bà Hiền và nhóm của Toán, Công... đã dẫn đến việc nữ sinh Cao Mỹ Duyên bị sát hại, Thiếu tướng Sùng A Hồng cho biết, trong quá trình làm ăn, mua bán ma túy với nhau thì có chuyện làm ăn không sòng phẳng, dẫn đến việc các đối tượng trả thù lẫn nhau. “Sau này, nếu cơ quan điều tra có tài liệu chứng cứ, chứng minh cho các hành vi khác thì sẽ khởi tố bổ sung hoặc mở rộng vụ án theo quy định pháp luật. Trước mắt, cơ quan điều tra sẽ cố gắng sớm nhất kết thúc điều tra để đưa vụ án liên quan đến việc cháu Cao Mỹ Duyên bị sát hại ra xét xử. Còn đối với đường dây ma túy này, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ”, Thiếu tướng Sùng A Hồng thông tin thêm.

Bảo Quân

Quỳnh Vinh
.
.
.