Công đoàn Việt Nam và những đóng góp to lớn cho sự phát triển đất nước

Thứ Năm, 25/07/2019, 05:12
Sáng 24-7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển".


Đây là một trong những sự kiện lớn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 – 28-7-2019). Dự hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, học giả hàng đầu, như: GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Ths Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam; ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương…

Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo.

90 năm kể từ sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay. Với những tên gọi phù hợp hoàn cảnh của mỗi giai đoạn cách mạng, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước làm nên những thành tựu chói lọi trong thế kỷ XX với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thắng lợi trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

"Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động thực hiện đường lối của Đảng, tạo cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước", Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại Hội thảo. Theo ông Cường, hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia.

"Những vấn đề đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và lợi thế đang có, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, tập trung đổi mới đồng bộ cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để hoàn thành tốt vai trò tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động đồng thời là thành viên tích cực trong hệ thống chính trị Việt Nam", ông Bùi Văn Cường bày tỏ.

Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, trong quá trình cách mạng 90 năm, được Đảng và Bác Hồ giáo dục, rèn luyện, từ chỗ chỉ chiếm một số ít trong cơ cấu lao động của đất nước, chủ yếu là công nhân làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, công xưởng nhỏ, ngày nay, giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng hùng mạnh, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước.

Có được vinh quang to lớn ấy, theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, hoạt động của tổ chức Công đoàn và sự phấn đấu kiên cường, không biết mệt mỏi của mỗi đoàn viên.

"Tổ chức Công đoàn không chỉ là người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, mà còn là tổ chức để tập hợp, giáo dục công nhân, người lao động phấn đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì sự phồn vinh của đất nước", GS Thắng đánh giá.

Phan Hoạt
.
.
.