Công bố Luật An ninh mạng và 6 Luật khác

Thứ Năm, 28/06/2018, 12:09
Sáng 28-6, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật: Quốc phòng; Cạnh tranh; Tố cáo; Đo đạc và bản đồ; An ninh mạng; Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. 

Đây là các Luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua. Ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì cuộc họp báo. Tham dự còn có đại diện các bộ, ngành tham gia soạn thảo các Luật được công bố và phóng viên các báo, đài.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Công an tóm tắt Luật An ninh mạng. 

Cụ thể, Luật An ninh  gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an giới thiệu Luật An ninh mạng 2018.

Luật An ninh mạng được chuẩn bị công phu, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, hơn 30 doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn trong nước như: VNPT, FPT, BKAV; nhiều chuyên gia, tập đoàn kinh tế, viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội điện toán đám mây châu Á; các cơ quan đại diện nước ngoài như: Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… và ý kiến rộng rãi của quần chúng nhân dân.

Đáng chú ý, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chương III Luật này quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng; phòng chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.

Chương IV Luật An ninh mạng quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về Nghị định hướng dẫn sau thi hành Luật, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết, hiện nay Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Tư pháp soạn thảo và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 10 tới.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương giới thiệu Luật Cạnh tranh 2018.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ giới thiệu Luật tố cáo, trong đó có nêu sự cần thiết của việc xây dựng Luật Tố cáo 2018 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo 2011. 

Luật tố cáo 2018 có 9 chương, 67 điều, trong đó quy định: Quyền và nghĩa vụ người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo; giải quyết tổ cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo… 

Liên quan đến hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, Luật này quy định hai thức tố cáo: Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Quy định này nhằm để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu những điểm mới căn bản của Luật Quốc phòng năm 2018. 

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu những điểm mới căn bản của Luật Quốc phòng năm 2018. 

Luật này gồm 7 chương, 40 điều, giảm 2 chương và 11 điều so với Luật cũ. Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Luật có quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; hình thái chiến tranh trong tương lai có nhiều thay đổi, phát triển mới.

Đại diện các Bộ: Tài nguyên Môi trường; Công thương; Văn hóa, Thể thao và du lịch; Kế hoạch đầu tư giới thiệu tóm tắt và những điểm mới của các Luật: Đo đạc bản đồ; Cạnh tranh; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao; sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Việc xây dựng và ban hành các Luật này nhằm mục đích hoàn thiện cơ sở pháp lý, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực thi trong các lĩnh vực mà Luật bao quát.


Cao Hồng
.
.
.